Đất Vân Phong giảm nhiệt sau khi dừng chuyển đổi mục đích sử dụng
Phó chủ tịch huyện nhìn nhận, trong vài tháng đầu năm, bất động sản Vân Phong không chỉ tăng chóng mặt về giá bán mà còn cả lượng giao dịch. Trong tháng 4, toàn huyện có gần 2.450 hồ sơ giao dịch đất đai và chuyển nhượng thành công 1.120 hồ sơ.
Sau quyết định dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các khu phân lô, tách thửa, giao dịch đất ở Vân Phong, huyện Vạn Ninh - nơi được kỳ vọng trở thành Đặc khu kinh tế Vân Phong, trở nên trầm lắng.
Cảnh tượng vốn nhộn nhịp chào bán, giới thiệu các lô đất và sẵn sàng thực hiện giao dịch ở hàng loạt trung tâm môi giới bất động sản đã vắng lặng, không còn rao bán rôm rả, ngã giá của giới buôn đất như trước.
Tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vạn Ninh, hôm 9/5, chỉ có hơn 100 lượt người đến giao dịch, và đến ngày hôm sau thì giảm một nửa. "Hôm trước gần 250 người đến văn phòng thực hiện giao dịch, chúng tôi phải làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu người dân", một cán bộ phòng công chứng nói.
"Quyết định dừng chuyển nhượng đất ở Vân Phong khiến việc mua bán chậm lại", giám đốc một trung tâm môi giới ở Vạn Ninh nói và cho biết thêm, những tháng đầu năm, ông thực hiện gần 20 lượt giao dịch đất, chủ yếu mua rồi bán lại, kiếm tiền chênh lệch. Cách đây một tuần, ông xuống 500 triệu đồng cọc cho lô đất ngang 7 m, sâu 30 m trong đó có 120 m2 thổ cư với giá 8 tỷ đồng tại trung tâm thị trấn.
"Quyết định dừng giao dịch đất khiến khách không đồng ý mua ngay mà dừng lại để nghe ngóng khiến tôi phải thương lượng lại với chủ đất về tiền cọc", người này nói.
Một cò đất khác thì thở dài cho biết, giờ kiếm được mối giới thiệu bán đất khá khó, có ngày lòng vòng khắp nơi mà không được gì. Lệnh cấm chuyển đổi nông nghiệp sang đất thổ cư khiến giới mua bán không mặn mà với sản phẩm này nữa, mà hướng đến những lô đất có nhà sẵn, hoặc khu tái định cư vì còn có khả năng chuyển nhượng.
Tuy nhiên, người này cho rằng, dù không diễn ra rầm rộ như trước, song giá đất vẫn sẽ tăng. Cụ thể, một lô đất hơn 1.000m2 với 350m2 thổ cư ở xã Vạn Thọ hồi tháng 10/2017 (trước thời điểm Khánh Hòa chọn toàn huyện Vạn Ninh làm dự án đặc khu Bắc Vân Phong) chừng 200 triệu đồng, nhưng nay đã hơn 3 tỷ đồng. Theo các cò đất, giá đất tại Vạn Ninh tăng lên từ vài chục đến vài trăm lần, tùy khu vực.
Từng kinh doanh đất ở Phú Quốc, một nhà đầu tư nữ cho biết khi thấy Vân Phong "nóng" lên đã nhờ người móc nối tại Khánh Hòa để vào tìm mua.
"Tôi có gần chục lô, giá dao động 3-5 tỷ đồng, tuỳ từng vị trí nhưng chủ yếu là đất thổ cư. Vốn huy động ở đây cũng mấy chục tỷ đồng, nên nếu nôn nóng sẽ thua thiệt", chị nói, rồi nhìn nhận đất vẫn có khả năng sẽ có những "cơn sốt ngầm", nên tỏ ra khá bình thản.
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Lục Phẩm, Phó chủ tịch huyện Vạn Ninh - cho biết, địa phương đang triển khai văn bản quyết định ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất ở huyện Vạn Ninh trong thời gian chờ Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Phong, khiến tình trạng sốt giá đất ở địa phương đã giảm nhiều.
"Chúng tôi đang tìm giải pháp, làm văn bản trình UBND tỉnh xin chỉ đạo giải quyết những hồ sơ còn tồn đọng trước khi có văn bản ngưng giao dịch chuyển nhượng", ông Phẩm nói.
Phó chủ tịch huyện nhìn nhận, trong vài tháng đầu năm, bất động sản Vân Phong không chỉ tăng chóng mặt về giá bán mà còn cả lượng giao dịch. Trong tháng 4, toàn huyện có gần 2.450 hồ sơ giao dịch đất đai và chuyển nhượng thành công 1.120 hồ sơ.
Theo ông Phẩm, giới cò đất đã đẩy giá lên cao, tạo cơn sốt, khiến việc quản lý quy hoạch và xây dựng của chính quyền gặp nhiều khó khăn. Nhiều hécta đất tại các xã Vạn Thạnh, Vạn Hưng, Vạn Thọ... bị đào bới, san lấp. Cây cối bị chặt hạ, hay đốt bỏ chỉ còn lại những đồi trọc để có mặt bằng phục vụ việc mua bán bất động sản. "Điều này đã vượt ngoài tầm kiểm soát của địa phương", lãnh đạo huyện thừa nhận, và cho biết huyện đã thành lập tổ liên ngành kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm đất trên địa bàn để buôn bán bất động sản.
Trước thực trạng đang diễn ra ở Vân Phong, Chủ tịch tỉnh Lê Đức Vinh yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên cho đoàn đến Vạn Ninh kiểm tra việc quản lý đất. Việc mua bán, giao dịch chuyển nhượng không đúng quy định, xây trái phép trên đất nền, đổ đất san nền, cần xử lý, thậm chí cưỡng chế.
"Cần làm rõ trách nhiệm, tổ chức liên quan đến việc buông lỏng quản lý đất đai ở một số địa bàn, nhất là Vân Phong", Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.
Không chỉ Vân Phong, tại Phú Quốc, Vân Đồn - ba nơi được kỳ vọng thành đặc khu kinh tế, giá đất cũng hạ nhiệt sau văn bản chỉ đạo dừng chuyển nhượng đất.
Xuân Ngọc.