Doanh nghiệp Nhà nước bị định giá thấp để trục lợi

29/05/2018

Trong kỳ họp ngày 28/5, đại biểu Trần Văn Minh nhấn mạnh đến việc quản lý đất đai của DNNN. Ông cho biết, khi định giá doanh nghiệp, nhiều nơi đã không tính đến giá trị quyền sử dụng đất. Hoặc không tính đến giá trị sử dụng đất sau khi điều chỉnh quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng đất.

Tại phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016 sáng 28/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo ngại với tình trạng định giá doanh nghiệp thấp khi cổ phần hóa, qua đó làm thất thoát tài sản, đặc biệt là quyền sử dụng đất.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng cách định giá trị doanh nghiệp còn thiếu sót. Việc định giá thấp tài sản DNNN khi cổ phần hóa còn thấp hơn giá trị thật.

“Nhiều nơi xảy ra biểu hiện trục lợi khi định giá doanh nghiệp thấp hơn giá trị thật. Để khi doanh nghiệp lên sàn, giá cổ phiếu tăng cao hơn rất nhiều lần. Kiểm toán Nhà nước từng kiến nghị điều chỉnh giá trị của các doanh nghiệp sau khi định giá tăng lên 22.300 tỷ đồng”, ông nói.

Trong việc định giá tài sản, đại biểu Trần Văn Minh đặc biệt nhấn mạnh đến việc quản lý đất đai của DNNN. Khi định giá doanh nghiệp, nhiều nơi đã không tính đến giá trị quyền sử dụng đất. Hoặc không tính đến giá trị sử dụng đất sau khi điều chỉnh quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng đất. Từ đó, có nhiều cá nhân, tổ chức đã dễ dàng thâu tóm doanh nghiệp sau cổ phần hóa với giá rẻ, với động cơ chủ yếu là được hưởng lợi lớn từ đất vàng của DNNN.

Đại biểu Mai Thị Anh Tuyết (An Giang) thì nhấn mạnh đến tình trạng sử dụng đất vàng một cách lãng phí của DNNN. Nhiều nơi sử dụng không đúng mục đích, cho thuê, bị lấn chiếm gây lãng phí tài sản công.

Đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh đến tồn tại của DNNN trong cổ phần hoá là sai phạm trong xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, nhằm chiếm dụng vốn. Có trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị doanh nghiệp.

“Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Sau cổ phần hoá, doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn chiếm...”, ông nhấn mạnh.

Ủy ban Giám sát của Quốc hội dẫn lại Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2016 có nhiều tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và DNNN quản lý đất chưa chặt chẽ; nhiều diện tích đất được sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai với NSNN.

Đại biểu Trần Văn Minh đề nghị cần nghiên cứu áp dụng định giá tài sản tiên tiến, đảm bảo vốn tài sản Nhà nước. Ông nhấn mạnh cần phải định giá đầy đủ, công khai, minh bạch, xác định cơ chế thị trường.

“Cần định giá doanh nghiệp một cách độc lập. Cần có cơ chế giám sát chéo quá trình định giá DNNN. Cần có quy định chế tài cụ thể, phát hiện nghi vấn, vi phạm quy định của pháp luật ngăn chặn các biểu hiện trục lợi về tài sản công, tránh gây thất thoát và tăng cường quản lý đất đai sau cổ phần hóa”, ông Minh nói.

Đại biểu Tuyết thì đề xuất cần có quy định chặt chẽ để tránh tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích. Với các lô đất vàng không đúng mục đích thì phải thu hồi.

Hiếu Công