Giá đất khu vực giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành hiện đã tăng 8-10 lần

02/06/2017

Theo trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, giá đất khu vực giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành hiện đã tăng 8-10 lần.

Mới đây, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ quanh Tờ trình của Chính phủ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tại phiên thảo luận ở Tổ 9 (gồm đoàn Đồng Nai, Thái Bình, Cao Bằng), Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh cho biết, cả người dân và chính quyền tỉnh Đồng Nai đều đang rất mong mỏi việc giải phóng mặt bằng để dự án sân bay Long Thành được thực hiện sớm.

Theo bà Thanh, qua tiếp xúc cử tri và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân tại 6 xã trong vùng triển khai dự án sân bay Long Thành, người dân rất băn khoăn, lo lắng về việc chuyển đổi nghề nghiệp, thậm chí sửa sang, xây dựng nhà cửa trên chính đất của mình vì quy hoạch sân bay Long Thành đã được công bố hơn 10 năm nay. "Càng chậm giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành ngày nào thì dân càng mong mỏi, càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp", bà Thanh nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nêu thực tế, hiện giá đất ở khu vực giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành đã tăng 8-10 lần rồi và sẽ còn tăng nữa.

Bà Thanh phân tích: "Quốc hội khóa XIII khi thông qua chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành tính toán chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 18.000 tỷ đồng, nay tính theo giá 2017 đã tăng lên 23.000 tỷ đồng, như vậy nếu chậm giải phóng mặt bằng thì trượt giá sẽ còn tăng, ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư".

Được biết, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

(Theo VOV)