Lãnh đạo Quận Hà Đông nói gì về chung cư 30 tầng không phép giữa lòng Thủ Đô

16/05/2018

Theo báo cáo, trên địa bàn quận Hà Đông còn 7 dự án, tương ứng với 10 đồ án chậm triển khai. Phát biểu tại buổi giám sát, nhiều đại biểu chỉ rõ, số liệu báo cáo của UBND quận Hà Đông còn chênh lệch so với báo cáo của các Sở Xây dựng, Sở TN&MT.

Chiều 15/5, Đoàn giám sát HĐND Thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn làm trưởng đoàn, đã làm việc với quận Hà Đông về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Theo báo cáo, trên địa bàn quận Hà Đông còn 7 dự án, tương ứng với 10 đồ án chậm triển khai. Phát biểu tại buổi giám sát, nhiều đại biểu chỉ rõ, số liệu báo cáo của UBND quận Hà Đông còn chênh lệch so với báo cáo của các Sở Xây dựng, Sở TN&MT.

Trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam chất vấn về các trường hợp chủ đầu tư sử dụng sai mục đích, xây dựng sai quy hoạch. Theo ông Nam, nhiều trường hợp không đưa đất vào sử dụng, sử dụng sai mục đích, một số dự án trở thành các bãi xe cho thuê, thu lợi nhuận rồi chờ thời cơ, cơ hội mới làm.

Ông Nam kiến nghị, nếu quận thấy trường hợp nào không có năng lực, tài chính yếu, cố tình đánh võng, mua bán, chuyển nhượng dự án thì phải có thái độ dứt khoát kiến nghị các sở ngành, thành phố xử lý.

Ông Nam cho biết, đã đi giám sát nhiều lần, đã có báo cáo nhiều lần nhưng mỗi lần một khác, đến khi dân cư kiện cáo thì chính quyền mới biết được sai phạm đó. Ông Nam nêu, dự án phê duyệt ban đầu rất đẹp, có khu dân cư, khu trung tâm thương mại, trường học, y tế nhưng dần dần không làm hoặc là “biến”. “Quận phải cho chúng tôi biết câu chuyện này, thực hiện quy hoạch 1/500 như thế nào”, ông Nam nói.

Ông Nam nêu dẫn chứng, vụ việc ở dự án chung cư CT6 Kiến Hưng đang rất ầm ĩ. Quy hoạch 1/500 cho phép xây 2 tòa nhà cao tầng và 34 biệt thự liền kề, còn lại một tòa làm hành chính văn phòng, nhưng để chủ đầu tư biến dạng một tòa nhà 654 căn hộ không có quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, thêm 4 biệt thự liền kề. "Bây giờ báo chí đưa tin rồi, cử tri kiến nghị như thế rồi. Sai phạm nằm ở đâu? Có điều chỉnh quy hoạch hay không?”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng đặt câu hỏi khu Đại Nam bây giờ thành trường học hay thành nhà liền kề. “Tôi xuống thấy các đồng chí xây không giống trường học nữa rồi. Chỉ cần xây tường ngăn là thành nhà liền kề. Quy hoạch 1/500 là trường học”, ông Nam nói.

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội dẫn chứng vụ chung cư 30 tầng không phép để nói rằng, xử lý hậu quả việc xây dựng sai phép xử lý rất khó. “Ở Kiến Hưng, theo dư luận báo cáo là đã vào ở hết rồi, chỉ chưa cấp được sổ đỏ thôi, bởi sai quy hoạch, bởi sai giấy phép. Nếu cấp thì hai tòa nhà kia sẽ kiện vì thiết kế ban đầu không có, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các tòa nhà. Tính sao đây?”, ông Nam đặt câu hỏi.

“Trước sau chúng ta đều phải đối đầu. Hôm nay không đối đầu thì mai phải đối đầu. Chưa kể các dự án đó lại liên quan đến điều kiện dân cư vào ở như an toàn phòng cháy chữa cháy”, ông Nam nói.

Tại buổi giám sát, phần trả lời của đại diện UBND quận Hà Đông không nhắc đến công trình chung cư 30 tầng CT6C không phép xảy ra ở phường Kiến Hưng. Trả lời sau cùng, Bí thư Quận ủy Hà Đông Lê Cường cũng chỉ tập trung làm rõ thêm vấn đề về 7 dự án chậm triển khai trên địa bàn.

Trường Phong (Tiền Phong)