Người Trung Quốc muốn thâu tóm bất động sản thế giới

12/06/2018

Tại các thành phố Vancouver (Canada), Sydney (Úc) đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc bong bóng bất động sản trước cơn sốt của đầu tư của Trung Quốc, nhưng vẫn không mang lại kết quả tốt.

Mục lục

Người Trung Quốc thu gom bất động sản ở Canada

Tờ The Wall Street Journal ngày 6-6 cho biết, vào một ngày gần đây, hàng ngàn người tràn vào Trung tâm Triển lãm Bắc Kinh ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) để nghe giới thiệu cơ hội đầu tư bất động sản ở nước ngoài. Mức độ quan tâm lớn như vậy đã tạo ra một dòng vốn khổng lồ quét qua nhiều thành phố trên toàn cầu, bóp méo giá cả nhà đất, khiến người dân địa phương bức xúc.

Năm 2016, người Trung Quốc đổ xô mua nhà cửa ở TP. Vancouver, thủ phủ của tỉnh British Columbia, Canada, khiến giá nhà đất ở thành phố leo thang với tốc độ 30% mỗi tháng so với năm trước đó. Khi chính quyền Vancouver áp mức thuế mua nhà 15% đối với người nước ngoài, những người Trung Quốc vội chạy sang TP. Toronto, tỉnh Ontario (Canada) để thu gom bất động sản, đẩy giá nhà đất nơi đây tăng chóng mặt.

Để kiềm chế cơn sốt nhà đất ở Toronto, các quan chức tỉnh Ontario cũng áp thuế mua nhà 15% đối với khách hàng nước ngoài vào tháng 4 năm ngoái. Lúc đó, người Trung Quốc quay trở lại Vancouver và đẩy giá nhà đất lên các mức cao mới vào giữa năm 2017. Chính quyền tỉnh British Columbia buộc phải tăng thuế bất động sản đối với người mua nước ngoài lên 20%.

Các tấm biển rao bán nhà ở Vancouver đều có kèm theo tiếng Hoa. Nhiều căn nhà cũ ở thành phố này bị san phẳng để xây mới vì người Trung Quốc thích nhà mới. Các quảng cáo bất động sản tại các trạm xe buýt ở Richmond, vùng ngoại ô của Vancouver, cũng được đăng bằng tiếng Hoa.

Thị trưởng Vancouver Gregor Robertson cho biết, vấn đề nhà đất tăng giá khiến ông mất nhiều thời gian giải quyết nhất trong suốt gần một thập kỷ giữ chức thị trưởng của ông. Robertson nói một lý do khiến cơn sốt bất động sản vượt tầm kiểm soát là sự thiếu phối hợp giữa ba cấp chính quyền Canada gồm bang, tỉnh và thành phố.

Theo trang môi giới bất động sản Juwai.com (Trung Quốc), các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi 100 tỉ đô la Mỹ để mua bất động sản bên ngoài Trung Quốc trong năm 2016, một mức tăng khủng khiếp so với con số 5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010, đẩy giá bất động sản thương mại và nhà ở các thành phố nằm ở vành đai Thái Bình Dương và bên ngoài khu vực này tăng cao.

Người Trung Quốc thu gom condo, căn hộ, nhà ở từ Vancouver cho đến Auckland (New Zealand), Sydney (Úc). Các chính quyền thành phố này nhận thấy rằng nỗ lực kiểm soát dòng vốn Trung Quốc trên thị trường giống như bóp một quả bong bóng, vì đánh thuế nơi này, họ sẽ chạy sang nơi khác.

Không chặn nổi cơn sốt đầu tư của Trung Quốc

Các quan chức chính quyền ở nhiều thành phố ở Canada và Úc, nơi giá nhà còn tương đối rẻ và có các cộng đồng Hoa kiều lớn, lo ngại rằng bong bóng bất động sản sẽ đe dọa nền kinh tế của họ. Thị trường nhà đất ở Montreal, thành phố lớn thứ hai Canada, chưa có dấu hiệu nóng quá mức nhưng sau khi nhậm chức thị trưởng Montreal vào năm ngoái, bà Valerie Plante đã đề xuất đánh thuế đối với người mua nhà người nước ngoài vì sau khi chứng kiến những gì xảy ra ở Vancouver và Toronto, bà lo ngại Montreal sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của người mua Trung Quốc.

Tại Úc, Jonathan Kearns, Giám đốc bộ phận ổn định tài chính ở Ngân hàng Dự trữ Úc cho biết, vào tháng 11 năm ngoái rằng ông ước tính người nước ngoài đang chiếm khoảng 10-15% giao dịch bất động sản đang xây dựng ở Úc.

Các phố Melbourne và Sydney là những nơi có tỷ lệ người nước ngoài mua nhà đất cao nhất. Ông Kearns nói có khoảng ¾ khách hàng mua nhà người nước ngoài đến từ Trung Quốc. Chính quyền New South Wales, bang chủ quản của Sydney, đã tăng gấp đôi thuế bất động sản đối với người nước ngoài lên mức 8% vào tháng 7-2017 nhưng vẫn không kìm hãm được nhu cầu đang gia tăng.

Theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, giá nhà đất gần đây đã tăng chậm lại ở Sydney và Melbourne nhưng các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc vẫn dẫn đầu về giá trị đầu tư nước ngoài vào các khu chung cư khắp nước Úc. Người Trung Quốc đã  chi 1,5 tỉ đô la Mỹ để mua các căn hộ chung cư ở Úc vào năm ngoái, tương tương 30% giá trị giao dịch căn hộ chung cư của nước này.

Jon Ellis, Giám đốc điều hành của công ty giao dịch bất động sản xuyên biên giới Investorist (Úc) nói rằng làn sóng mua nhà của người Trung Quốc là không thể chặn nổi khi các mức thuế còn thấp và quy định quản lý còn yếu.

New Zealand muốn cấm người nước ngoài mua nhà

Một trong những mục tiêu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc là thành phố cảng Auckland của New Zealand, nơi có hơn một triệu dân sinh sống. Năm 2015, Auckland được bộ phận bất động sản quốc tế của hãng đấu giá Christie đánh giá là thành phố có thị trường bất động sản cao cấp nóng nhất thế giới. Chính sách nhập cư cởi mở và các quy định thoáng về các giao dịch bất động sản liên quan đến nước ngoài đã giúp doanh thu các bất động sản có trị giá trên 1 triệu đô la Mỹ ở Auckland tăng 63% mỗi năm.

Năm ngoái, các tranh cãi chính trị đã bùng nổ trước các phàn nàn cho rằng giá nhà đất ở thành phố quá đắt đỏ. Tỷ lệ sở hữu nhà ở của người dân New Zealnd đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1951 do giá bất động sản quá cao. Hiện nay, chỉ có 25% người dân Zealand dưới 40 tuổi sở hữu nhà ở so với mức 50% vào năm 1991.

Theo Viện Bất động sản New Zealand, giá nhà ở trung bình ở Auckland đã tăng từ mức 496.000 đô la New Zealand vào tháng 4 - 2012 lên mức 850.000 đô la New Zealand trong tháng 4-2018, tăng 71%.

Theo Cơ quan Thống kê New Zealand, trong 3 tháng đầu năm nay, người Trung Quốc mua 504 bất động sản ở New Zealand, dẫn dầu trong số những người nước ngoài mua bất động sản ở nước này.

Tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố, sẽ cấm người nước ngoài mua các nhà cửa ở New Zealand để đầu cơ vì cho rằng điều này đẩy những người dân New Zealand mua nhà lần đầu ra khỏi thị trường.

“Chúng tôi quyết tâm giúp người dân New Zealand dễ dàng mua ngôi nhà đầu tiên của họ, vậy nên, chúng tôi đang ngăn chặn các nhà đầu cơ nước ngoài mua nhà và đẩy giá tăng”, bà Jacinda Ardern, nói tại một cuộc họp báo vào mùa thu năm ngoái.

Các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc giờ đây bắt đầu chuyển hướng chú ý sang Đông Nam Á. Theo công ty môi giới bất động sản Juwai.com, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia lần lượt xếp ở vị trí thứ 3, thứ 9, và thứ 10 trong danh sách 10 nước được người mua nhà Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư trong năm 2017.

Juwai.com dự báo trong 10 năm tới, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ chi 1.500 tỉ đô la Mỹ ở nước ngoài và phân nửa số tiền sẽ được đổ vào lĩnh vực bất động sản.

Chánh Tài (TBTKSG)