TPHCM thu hồi đất vàng đã "được" bán rẻ

25/05/2018

UBND thành phố vừa có công văn chỉ đạo các ban ngành rà soát và thu hồi các khu đất vàng bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, cho thuê, bán giá rẻ.

Mục lục

Điều tra dấu hiệu tham nhũng

Câu chuyện quản lý, khai thác, sử dụng đất công để xảy ra tình trạng lãng phí, thất thoát tại TP.HCM khiến ĐBQH Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp rất bức xúc.

 Vị đại biểu này cho biết, vấn đề quản lý đất công và tài sản gắn liền trên đất thời gian qua được quản lý quá lỏng lẻo, cụ thể như trường hợp tại TP.HCM.

Đoàn giám sát của địa phương này đã tiến hành giám sát, kiểm tra và cho thấy có những sai phạm rất nghiêm trọng. Nhiều khu đất có diện tích rất lớn do Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà thành phố quản lý nhưng không được khai thác hoặc bị cho thuê với giá rất thấp. Sau đó, các đơn vị đi thuê lại cho thuê lại với giá cao hơn gấp chục lần... gây thất thu quá lớn cho ngân sách nhà nước.

Điển hình như các vị trí trên đường Đồng Khởi, Lê Duẩn, Hàm Nghi... được định giá hơn 300 triệu đồng/m2 là rất rẻ mạt. Hay việc cho thuê lại mặt bằng trên quận Tân Bình với giá thấp hơn giá cho thuê lại tới 830 triệu/tháng. Vụ ký hợp đồng cho Vạn Thịnh Phát thuê cao ốc số 8 Nguyễn Huệ với giá thuê thấp, gây thất thu lên tới  143.000 USD/tháng là rất nghiêm trọng.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp đặt câu hỏi "số tiền chênh lệch đó đã đi đâu? Và vào túi ai?".

"Tôi nhận thấy dường như đang có hai nguồn thu, một nguồn thu với những khoản thu rất lớn thì đang bị giấu diếm, để ngoài sổ sách, còn một nguồn thu rất nhỏ, được công khai mới đưa về ngân sách. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, làm rõ có hay không những dấu hiệu tham nhũng, tham ô trong từng vụ việc?

Rõ ràng, cùng một diện tích, mặt bằng đó, anh cho thuê một đồng, doanh nghiệp cho thuê lại 3 đồng là có vấn đề, có dấu hiệu tham nhũng rồi. Phải trả lời được nguồn chênh lệch đó đã đi đâu? Nếu nguồn thu không chảy về ngân sách mà chảy về túi của nhóm cá nhân là không thể được.

Việc làm rõ nguồn gốc, đường đi của tài sản công còn là cơ sở để xác định trách nhiệm của từng  cá nhân, tổ chức liên quan trong lĩnh vực này. Những ai, những tổ chức nào đã quyết định cho thuê các diện tích đất công đó? Cho thuê với giá bao nhiêu? Có đúng quy định của pháp luật không? Vì sao lại cho thuê với giá bèo như vậy....? Sau khi làm rõ được những khúc mắc trên, sẽ dựa trên tính chất từng vụ việc để xác định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức khi tham gia. Nếu sai phạm có dấu hiệu hình sự thì phải yêu cầu xử lý hình sự. Không thể dung túng, bao che", ông Hòa nhấn mạnh.

Tài sản nhà nước không thể bán giá nào cũng được

ĐBQH Phạm Văn Hòa trăn trở, hiện nay nguồn thu về ngân sách trung ương rất khó khăn, nợ công tăng cao, Việt Nam đang phải vay cả trăm tỷ đồng để trả nợ, trong khi đó, câu chuyện thất thoát tài sản công, sử dụng ngân sách sai mục đích vẫn diễn ra khiến dư luận và nhân dân cả nước rất đau lòng.

Từ băn khoăn trên, ông kiến nghị phải xem xét trách nhiệm nghiêm túc của từng cá nhân, tập thể có trách nhiệm liên quan. Đặc biệt là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị được giao cho công tác quản lý những diện tích nói trên.

"Nếu không làm rõ được việc này thì vô hình chung chúng ta đang để cho lợi ích nhóm công khai hoạt động. Tài sản của nhà nước lại trở thành tài sản riêng. Tiền của nhà nước lại chảy vào túi của một nhóm cá nhân, làm giàu cho cá nhân. Trong khi nhà nước và người dân đang phải cân đong, đo đếm từng đồng, rất khó khăn", ông Hòa chia sẻ.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, tài sản của nhà nước phải được quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Tiền thu được phải được thu hồi về ngân sách, không thể để tình trạng cho thuê, bán tùy tiện, giá nào cũng được.

"Tại sao lại có câu chuyện đất của nhà nước, của toàn dân mà ai đó lại cho doanh nghiệp với giá thuê bèo bọt, một đồng cũng được, hai đồng cũng xong, thậm chí còn cho mượn để ở, để xây kho bãi....? Tôi không thể hiểu cơ chế nào cho phép làm việc này?", ông Hòa bức xúc.

Ngoài ra, ông cũng kiên quyết yêu cầu đối với những diện tích đất công bị cho thuê sai cần phải được thu hồi ngay để tổ chức đấu thầu cho thuê lại theo đúng giá thị trường. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm truy thu, bồi thường số tiền chênh lệch đã bị mất trong nhiều năm do để doanh nghiệp thuê với giá rẻ mạt, sử dụng đất vàng mà giá rẻ như cho.

"Nếu việc này được quản lý tốt ngay từ đầu thì chắc chắn sẽ giải quyết được rất nhiều cho gánh nặng nợ công quốc gia", ông Hòa kỳ vọng.

Rõ ràng, cùng một diện tích, mặt bằng đó, anh cho thuê một đồng, doanh nghiệp cho thuê lại 3 đồng là có vấn đề, có dấu hiệu tham nhũng rồi. Phải trả lời được nguồn chênh lệch đó đã đi đâu? Nếu nguồn thu không chảy về ngân sách mà chảy về túi của nhóm cá nhân là không thể được.

Việc làm rõ nguồn gốc, đường đi của tài sản công còn là cơ sở để xác định trách nhiệm của từng  cá nhân, tổ chức liên quan trong lĩnh vực này. Những ai, những tổ chức nào đã quyết định cho thuê các diện tích đất công đó? Cho thuê với giá bao nhiêu? Có đúng quy định của pháp luật không? Vì sao lại cho thuê với giá bèo như vậy....? Sau khi làm rõ được những khúc mắc trên, sẽ dựa trên tính chất từng vụ việc để xác định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức khi tham gia. Nếu sai phạm có dấu hiệu hình sự thì phải yêu cầu xử lý hình sự. Không thể dung túng, bao che", ông Hòa nhấn mạnh.

Lam Lam (Báo Đất Việt)