Thận trọng khi giao dịch đất nền
“Cơn sốt” đất nền tại các quận, huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang kéo theo nhiều hệ lụy trong quản lý đô thị. Việc đẩy giá đất lên cao, lách luật để phân lô bán nền tràn lan không những khiến bộ mặt đô thị bị băm nát mà còn khiến nhiều người dân có nguy cơ trắng tay vì những chiêu thổi giá của cò đất. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng này.
Giá đất “nhảy múa”
Trong thời gian vừa qua, quận 9 là tâm điểm của “cơn sốt” đất. Tại khu vực này, giá đất tăng mạnh và liên tục biến động từ cuối năm 2016 đến nay. Nếu như trước đây, tốc độ tăng giá đất mạnh nhất là 5 đến 10% trong sáu tháng đến một năm thì hiện nay, cứ sau từ một đến hai tháng, thậm chí một, hai tuần, giá đất nhiều khu vực đã tăng 5 đến 7%. Tại các tuyến đường như Nguyễn Duy Trinh, Bưng Ông Thoàn, Đỗ Xuân Hợp, Gò Cát…, giá đất đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Đường Lê Văn Việt giá đất tăng 50%, từ 42 triệu đồng/m2 đã chạm ngưỡng 58 triệu đồng/m2 vào đầu năm 2017 và hiện ở mức 60 triệu đồng/m2. Đường Gò Cát cũng tăng giá đến 40%, từ 15 triệu đồng/m2 (năm 2016) nhảy vọt lên 23 triệu đồng/m2 (tháng 1-2017) và hiện nay là 25 triệu đồng/m2. Hay đất gần khu cầu vượt vòng xoay Nguyễn Duy Trinh cuối tháng 1-2017 chỉ khoảng 37 triệu đồng/m2 thì nay được rao bán với giá 40 triệu đồng/m2… Không chỉ khu đông, giá đất nền khu nam, khu tây bắc thành phố cũng đang tăng cao bất thường với mức tăng từ 10 đến 20%. Tại khu Tân Chánh Hiệp, Thạnh Xuân, An Phú Đông,Thới An, Hiệp Thành (quận 12) hay khu Thới Tam Thôn, Bà Điểm, Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn)…, giá đất thổ cư tăng từ 3 đến 5 triệu đồng/m2 tùy khu vực. Tại huyện Củ Chi, bình quân trước đây đất nông nghiệp được sang nhượng chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/m2 thì nay tăng lên từ một đến ba triệu đồng/m2, có nơi giá tăng đến năm triệu đồng/m2.
Cơn sốt đất còn kéo sang cả những tỉnh lân cận như Đồng Nai hay Long An. Chưa khi nào các dự án đất nền lại bán nhanh, bán chạy như hiện nay. Chỉ một buổi bán hàng, 1.400 trong số 1.500 nền đất tại dự án Kim Phát và Thiên Phát do Công ty CP Địa ốc Cát Tường Đức Hòa đã được tiêu thụ hết. Đây là một hiện tượng chưa từng có trên thị trường bất động sản trong những năm gần đây. Lý do “hút” khách vì đây là một trong những dự án hiếm hoi tại vùng giáp ranh thành phố được đầu tư hạ tầng bài bản nhằm phục vụ nhu cầu thật của người dân. Giám đốc Marketing Công ty CP Địa ốc Cát Tường Đức Hòa Lê Tiến Vũ cho biết, sản phẩm thật, giá thật, nhu cầu thật là tiêu chí được công ty luôn hướng tới khi phát triển dự án. Trước khi đầu tư, chúng tôi luôn xác định dự án có sức sống thật sự hay không? Một dự án có sức sống thì sau khi hoàn thiện mới có người dân về ở. Tỷ lệ lấp đầy dân cư sẽ quyết định mức độ gia tăng giá trị bất động sản trong tương lai. Chính vì vậy, việc làm sao để người dân về ở là mục tiêu được chúng tôi tập trung cao nhất. Trên thực tế, các dự án của công ty tại khu vực Long An đều được tiêu thụ nhanh. Lượng cư dân về ở rất đông so với các dự án đất nền khác cùng khu vực.
Thận trọng khi giao dịch đất đai
Việc đất nền tăng giá đã khiến lượng người đi tìm mua đất nền tăng đột biến. Các sàn giao dịch, trung tâm môi giới bất động sản cũng mọc lên như nấm, đâu đâu cũng thấy phát tờ rơi, rao bán. Giá đất tăng cao khiến những vụ mua bán diễn ra nhanh đến bất ngờ. Hợp đồng mua bán cũng đơn giản chưa từng có khi chỉ có thông tin bên bán đất, thông tin bên mua để trống. Kèm theo hợp đồng mua bán đất bằng giấy viết tay là Giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) khu đất, chứng minh nhân dân vợ chồng bên bán, hộ khẩu, tất cả chỉ được sao y bản chính. Theo giải thích của các sàn môi giới, những người mua chủ yếu là dân đầu tư cho nên hợp đồng với chủ đất để trống thông tin bên mua, khi bán lại người có nhu cầu có thể điền tên mình vào đó.
“Sốt” đất nền là do tin đồn và ăn theo dự án. Đó là lý giải của đại diện Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh. Tại khu đông, giá đất tăng là có thông tin thành phố sẽ thành lập TP Thủ Đức. Tại quận 9 là do ăn theo hai dự án của Vincom và bến xe Miền Đông mới. Tại Bình Chánh là thông tin huyện lên quận. Tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12…, giá đất được thổi lên để ăn theo dự án đại lộ ven sông và khu đô thị. Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả những thông tin được sử dụng để đẩy dự án lên mới chỉ ở dạng chủ trương. Dù chưa ghi nhận được nạn nhân nào bị lừa trong cơn sốt đất nhưng hệ quả để lại là bộ mặt đô thị đang dần bi băm nát bởi tình trạng phân lô bán nền tràn lan. Tại quận 9, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, những lô đất có diện tích từ 40 đến 70 m2 (không đủ điều kiện để tách thửa) được mua bán tràn lan. Nhiều miếng đất nông nghiệp được san lấp vội vàng, phân lô, phân thửa bằng giấy viết tay để đem chào bán kiếm lợi nhuận. Chính quyền sở tại cũng kêu trời vì khó kiểm soát. Để đối phó với tình hình này, UBND tỉnh Đồng Nai đã phải ban hành ngay quyết định tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa để ngăn chặn tình trạng tự ý tách thửa, phân lô, chuyển nhượng đất bằng giấy viết tay trái pháp luật đang diễn ra nhiều nơi. Thời gian tạm ngưng đến khi UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung. Sở Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng kịp thời có những thông điệp khuyên người tiêu dùng nên thận trọng khi giao dịch đất đai…