Đà Nẵng vẫn thiếu nhiều nhà ở dành cho người có thu nhập thấp
Đà Nẵng hiện có trên 8 nghìn căn hộ theo diện vốn đầu tư của nhà nước dành cho người có thu nhập thấp đã đưa vào sử dụng, hàng năm vẫn được bổ sung thêm các dự án mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân.
Nhà ở xã hội “đắt hàng”
Thực hiện “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, thời gian gần đây Đà Nẵng đã đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hay còn được gọi là nhà ở xã hội.
Kế hoạch đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ xây dựng 187 khối nhà với khoảng 10.400 căn hộ từ nguồn vốn ngân sách, đến hết năm 2016 thành phố đã đưa trên 8.300 căn hộ vào sử dụng theo hình thức cho thuê và bán trả góp cho những đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và những người có thu nhập thấp sinh sống, làm việc lâu dài trên địa bàn thành phố.
Qua khảo sát thực tế, nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tương đối lớn, khoảng 50% dân số đang sinh sống tại Đà Nẵng thuộc nhóm người có thu nhập trung bình – thấp, là công nhân, viên chức, những gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt...
Đối với diện nhà ở xã hội, trên địa bàn Đà Nẵng có 2 đơn vị sự nghiệp được thành phố giao quản lý vận hành và mở bán các dự án đó là Công ty quản lý nhà Đà Nẵng và Công ty quản lý nhà chung cư Đà Nẵng, mỗi năm hai đơn vị này thực hiện mở bán từ 300 – 500 căn hộ nhà ở xã hội, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập thấp.
Ông Lê Doãn Lâm – Phó Giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng cho biết, năm 2016 thành phố đã đưa thêm 450 căn hộ nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu của người dân, riêng Công ty quản lý nhà được giao chỉ tiêu bán 230 căn, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng sau khi công bố mở bán toàn bộ sản phẩm đã được bán hết, trong khi đó vẫn còn rất nhiều hồ sơ chờ xử lý mà chưa có nhà để bán.
Ông Lâm cũng cho biết thêm, trong năm 2017 này, thành phố cũng sẽ đưa vào sử dụng 3 khối nhà chung cư xã hội thuộc dự án Phong Bắc, mỗi khối nhà có quy mô 7 tầng với tổng số 330 căn hộ, hiện tại đang nhận hồ sơ đăng ký và chỉ chờ thành phố phê duyệt giá sẽ tiến hành mở bán cho người dân. Giá dự kiến sẽ rơi vào khoảng 350 – 550 triệu đồng/căn, tùy thuộc vào vị trí và diện tích của từng căn.
Khó khăn trong quản lý
Trong quá trình thực hiện chủ trương về nhà ở xã hội dành cho những người có thu nhập thấp, ngoài việc sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Thành phố Đà Nẵng cũng chủ động thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội hóa, đó là việc giao cho các doanh nghiệp tư nhân xây dựng các công trình nhà ở xã hội để bán cho người dân, theo đó các doanh nghiệp được phép hạch toán về tài chính trên cơ sở giá bán được thành phố thông qua.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai những dự án do doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư có giá bán cao hơn những dự án có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, dẫn đến tình trạng người có thu nhập thấp không tiếp cận được những sản phẩm của doanh nghiệp mặc dù có nhu cầu thực về nhà ở.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn lợi dụng lách luật sau một thời gian đầu tư xin phép mở rộng vốn để “hô biến” những dự án nhà ở xã hội thành nhà ở thương mại với giá bán cao gấp 2 – 3 lần dự kiến ban đầu.
Vấn đề về luật Nhà nước đối với các dự án nhà ở xã hội cũng đang khiến cho các đơn vị quản lý gặp khó khăn. Đại diện Công ty quản lý nhà chung cư Đà Nẵng chia sẻ: Theo nghị định 61 của Chính phủ, người dân được cấp quyền sở hữu nhà ở trong chung cư, nên khi công trình tái xây dựng lại thì phải cấp mới chỗ ở và phải được người dân đồng ý; Ngược lại, khi người dân muốn sửa chữa nếu công trình hư hỏng thì cũng không làm được do công trình là của chung thuộc quyền quản lý của Nhà nước.
Từ thực tế trên, hiện nay một số tòa nhà chưng cư xã hội của Đà Nẵng đã đưa vào vận hành, sử dụng khoảng 10 năm bắt đầu có những hạng mục xuống cấp nhưng vẫn chưa thể bảo trì, duy tu.
Cần nới rộng luật cho cán bộ công chức, viên chức
Đến thời điểm hiện tại Đà Nẵng đang xảy ra tình trạng người thu nhập thấp nói chung thiếu chỗ ở, bên cạnh những người thuộc diện ưu tiên của thành phố, thì cũng có nhóm người ở các tỉnh lân cận sống và làm việc tại Đà Nẵng có nhu cầu về nhà ở thu nhập thấp.
Chị Thùy Trang – một cán bộ công chức tại Cục thuế Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi là người ở Quảng Trị, đã trở thành công chức tại Đà Nẵng được được hơn 1 năm, đã đăng ký KT3, hiện giờ vẫn phải đi ở nhờ nhà người thân, có nhu cầu mua nhà ở thu nhập thấp nhưng lại không thuộc diện được ưu tiên vì chưa lập gia đình”
Về vấn đề này, ông Lê Doãn Lâm - Phó Giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng cho biết: “Công ty cũng nắm bắt được vấn đề cán bộ công chức, viên chức đang làm việc cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhiều người có nhu cầu về nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Luật do Nhà nước ban hành đã quy định rất rõ ràng, đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội phải đáp ứng được 2 tiêu chí: phải có đăng ký KT3 tại địa bàn từ 1 năm trở lên và phải là những người đã lập gia đình”.
Trên thực tế không chỉ ở riêng Đà Nẵng, mà còn ở nhiều tỉnh thành khác, rất nhiều cán bộ công chức, viên chức thu nhập thấp là những người ngoại tỉnh có nhu cầu thực về chỗ ở, nhưng Luật hiện nay vẫn chưa chú tâm đến cho nhóm người này. Vì vậy, vấn đề giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn còn nan giải, Nhà nước cần phải nới lỏng cơ chế để chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả hơn.