Dự án "6 tỷ đô" giữa rừng cao su Đồng Nai khoác áo mới

07/05/2018

Sau khi được chính phủ phê duyệt để xây dựng thành phố mới Nhơn Trạch vào năm 1996, dự án Đông Sài Gòn với số vốn đầu tư 6 tỷ đô là một trong những dự án lớn nhất khu. Xong, dự án bị mắc kẹt nhiều năm bởi hiện tượng bong bóng bất động sản. Hiện nay, dự án đang có sự chuyển mình khi có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc.

Dự án “6 tỷ đô” giữa rừng cao su

Năm 1996, sau khi dự án xây dựng thành phố mới Nhơn Trạch được Chính phủ phê duyệt, Nhơn Trạch nổi sóng với hàng loạt nhà đầu tư đổ về đây. Các siêu dự án ra đời với kỳ vọng hình thành một khu đô thị vệ tinh sầm uất và là cầu nối TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Một trong những dự án gây tiếng vang thời điểm ấy chính là dự án Đông Sài Gòn. Đây được ví như một siêu đô thị không chỉ bởi quy mô lên đến hơn 940ha mà còn bởi số vốn đầu tư được công bố tới 6 tỷ USD.

Dự án này do Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch (liên doanh giữa Công ty TNHH MTV Tín Nghĩa và Công ty Cao su công nghiệp Đồng Nai) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sau đó, bong bóng bất động sản Nhơn Trạch “xì hơi”. Các nhà đầu tư lần lượt tháo chạy khỏi thị trường này. Nhiều dự án đình đám chỉ được hình thành trên bản vẽ, một số khác may mắn hơn được triển khai thì trở thành “phế tích” cho tới hiện nay.

So với nhiều dự án khác, Đông Sài Gòn có diện mạo sáng sủa hơn khi chủ đầu tư đã hoàn thiện nhiều hạng mục hạ tầng. Tuy nhiên, dự án vẫn mắc kẹt suốt nhiều năm không thể chuyển mình. Một số khu vực hạ tầng còn dang dở, bên trong dự án vẫn còn những cánh rừng cao su. Dự án chưa ghi nhận có dấu hiệu người dân về ở.

Có đổi vận khi về tay ông chủ Trung Quốc?

Sau nhiều năm lận đận, dự án Đông Sài Gòn hiện có sự tham gia của tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD) của một đại gia đến từ Trung Quốc. Dự án cũng được mang tên mới Swan Park.

Ghi nhận thực tế ngày 3/5, khu vực dự án có khá nhiều thay đổi so với trước đây. Lối vào dự án đã được dựng rào chắn với những hình về các sản phẩm nhà phố biệt thự của dự án. Cổng chào với tên gọi mới cũng đang được xây dựng. Bên trong, ngoài những khu vực đã hoàn thiện, nhiều hạng mục hạ tầng khác tiếp tục được triển khai, nhiều công nhân tích cực làm việc.

Theo những thông tin giới thiệu từ CFLD, chủ đầu tư này sẽ xây dựng dự án khu đô thị Swan Park với định hướng trở thành thành phố thông minh và xanh tại Việt Nam mang đầy đủ các tiện nghi, tiện ích đẳng cấp xứng tầm quốc tế với quy mô dân số lên đến 150.000 người.

Swan Park còn có tới 7 phân khu khác nhau bao gồm The Garden Town, The Oasis Town, The Lagoon Town, The Loch Town, The Orchard Town, The Eden Town và The Lake Town. Đi cùng với đó là Phố Tài chính, Trung tâm Hành chính, Đại lộ Thương mại, Công viên Đa sắc màu, Công viên Thể thao, Kinh đô Giải trí, Công viên Hồ Thiên Nga và Vành Đai Xanh xung quanh.

Garden Town là giai đoạn đầu tiên của dự án SwanPark Đông Sài Gòn được chào bán ra thị trường trong tháng 12/2017 với giá bán 1,9 tỷ/căn.

Bên cạnh dự án Swan Park, CFLD hiện còn đang sở hữu dự án Swan Bay cũng tại Nhơn Trạch. Tiền thân của dự án này chính là Đại Phước Lotus do VinaCapital quản lý và được CFLD mua lại.

Được biết, người đứng đầu Tập đoàn CFLD hiện nay là ông Wang Wenxue, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành. Ông Wang Wenxue là một trong số các tỷ phú thế giới trong danh sách của Tạp chí Forbes. Theo số liệu mới nhất hiện nay thì tính đến tháng 04/2018, ông Wang Wenxue xếp hạng thứ 217 trong danh sách hơn 2.000 tỷ phú thế giới với tổng giá trị tài sản lên tới 7,2 tỷ USD.

Với tiềm lực kinh tế và tham vọng của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, thị trường đang hồi hộp liệu dự án Swan Park có tạo ra sự thay đổi lớn hay sẽ theo vết xe cũ của Đông Sài Gòn trước đó?

Một số hình ảnh của dự án Swan Park những ngày đầu tháng 5/2018:

Trần Phong