Dự án PPP gặp nhiều khó khăn trong thu hút nguồn lực đầu tư.

25/02/2017

Nghị định số 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP (NĐ 30) được đánh giá là có nhiều bước tiến, tạo ra khung pháp lý khá hoàn chỉnh, phù hợp thông lệ quốc tế để triển khai dự án PPP tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai chương trình PPP theo quy định hiện hành đang “gặp khó trăm bề”.

Ngày 23/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức hội thảo đầu tiên để lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung NĐ 15 và NĐ 30. Đại diện nhiều bộ, địa phương đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong gần 2 năm triển khai thực hiện các dự án PPP theo quy định của 2 nghị định này. 

Từ góc nhìn của một bộ đã và đang triển khai nhiều dự án PPP, ông Vũ Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Ban PPP của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, văn bản quy phạm pháp luật quy định về đầu tư theo hình thức PPP mới ở mức nghị định của Chính phủ nên hành lang pháp lý về PPP vẫn còn phụ thuộc nhiều luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu trong suốt vòng đời một dự án PPP, từ bước chuẩn bị đầu tư đến triển khai đầu tư và vận hành, khai thác dự án, trong khi những văn bản này chủ yếu được xây dựng để điều chỉnh hoạt động đầu tư dự án công.

Do vậy, mặc dù Nghị định PPP ra đời, nhưng phía Nhà nước và tư nhân vẫn còn gặp khó khăn ở nhiều khâu (quy trình, thủ tục và nội dung cần thiết để thực hiện quyết định đầu tư dự án; công tác giám sát, nghiệm thu và thanh toán công trình, đặc biệt là công tác quản lý phần vốn góp của Nhà nước; công tác giám sát và quản lý chất lượng trong quá trình đầu tư, vận hành; các cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư). Một trong những vấn đề cốt lõi nữa là do mới ở tầm nghị định nên tính ổn định của chính sách không cao và đây là quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, việc lựa chọn mô hình đầu tư PPP theo quy định hiện hành vẫn dừng ở mức “ưu tiên”; trong khi quy định của các nước và hướng dẫn của một số tổ chức trên thế giới yêu cầu chính phủ “phải” xem xét tính khả thi đầu tư dự án theo mô hình PPP trước khi quyết định bỏ toàn bộ ngân sách đầu tư để giảm gánh nặng đầu tư công và tăng hiệu quả đầu tư, khai thác, vận hành dự án.

Đại diện Vụ Quản lý đầu tư BOT điện thuộc Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cũng chia sẻ một trong những vướng mắc khi thực hiện dự án BOT điện là xung đột về pháp lý. NĐ 15 cho phép khi dự án BOT có nhà đầu tư nước ngoài thì được áp dụng luật nước ngoài nhưng hiện những vấn đề liên quan đến đất đai theo quy định của Luật Đất đai vẫn không thể thống nhất được áp dụng thế nào.

Vướng mắc về quy định pháp lý cũng là vấn đề đầu tiên được đại diện Bộ KH&ĐT nhắc đến trên cơ sở rà soát, tổng hợp từ thực tiễn triển khai PPP thời gian qua. Theo ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng PPP thuộc Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, không chỉ đang bị điều chỉnh bởi nhiều luật trong quá trình thực hiện, hình thức PPP còn đang bị chồng lấn với xã hội hóa, phạm vi áp dụng xã hội hóa chưa được phân định rõ với PPP, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước khi lựa chọn mô hình đầu tư.

Vấn đề nguồn lực cho dự án PPP cũng gần như đang bế tắc. Ngoài Bộ GTVT, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của các bộ, ngành, địa phương gần như không có phân bổ cho phần vốn của Nhà nước tham gia vào dự án PPP. Quyết tâm dường như mới chỉ dừng ở lời nói, mà chưa bằng hành động cụ thể qua việc dành nguồn lực để chuẩn bị dự án tốt, thu hút nhà đầu tư. Cùng với đó, việc huy động vốn tín dụng thương mại cho dự án PPP lại đang gặp trở ngại vô cùng lớn.

Những khó khăn, vướng mắc này khiến kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Bộ KH&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận, còn một số quy định trong NĐ 15, NĐ 30 chưa phù hợp và cần phải chỉnh sửa để tạo thuận lợi trong triển khai. Với tinh thần rất cầu thị, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý trong quá trình rà soát, sửa đổi 2 nghị định này. 

Nguyệt Minh (Đấu thầu)