Hà Nội là địa phương có mức sống đắt đỏ nhất cả nước

31/03/2017

Thống kê chỉ số giá sinh hoạt từng tỉnh, thành phố năm 2016, Hà Nội có mức giá cao nhất cả nước, đúng thứ hai là Lào Cai và thứ 3 là TP.HCM. Chỉ số SCOLI của TP.HCM bằng 99,67% so với Hà Nội. Còn Lào Cai có hầu hết nhóm giá cả gần tương đương với Hà Nội.

Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2016 của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có chỉ số SCOLI cao nhất, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có chỉ số giá SCOLI thấp nhất.

Thống kê chỉ số giá sinh hoạt từng tỉnh, thành phố năm 2016, Hà Nội có mức giá cao nhất cả nước, đúng thứ hai là Lào Cai và thứ 3 là TP.HCM. Chỉ số SCOLI của TP.HCM bằng 99,67% so với Hà Nội. Còn Lào Cai có hầu hết nhóm giá cả gần tương đương với Hà Nội.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, một số địa phương như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang có mức sống khá đắt đỏ. So với báo cáo năm 2015, vị trí các tỉnh có giá cả đắt đỏ không có sự thay đổi lớn.

Các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc có mức giá cao sau Hà Nội là Lào Cai là Điện Biên (98,41%), Lạng Sơn (98,17%) và Hà Giang (97,16%).

Đại diện Tổng cục Thống kê đưa ra lý giải các tỉnh có mức giá cao chủ yếu xuất phát từ khu vực núi cao, khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Đáng chú ý, Lai Châu có sự thay đổi khá lớn, từ vị trí mức sống đắt đỏ nhất cả nước năm 2015 "rớt" xuống vị trí thứ 4.

Theo đó, giá bình quân tại các nhóm y tế và giáo dục của tỉnh này đã thấp hơn so với Hà Nội, tương ứng là 92% và 93%.

Hậu Giang hiện là địa phương có chỉ số giá thấp nhất trong cả nước. Chỉ số giá sinh hoạt của tỉnh này chỉ bằng 90,70% so với Hà Nội.

Cụ thể, Hậu Giang có 10 nhóm hàng ở mức giá thấp hơn Hà Nội. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế thấp nhất, và bằng 79,14% so với mức giá bình quân, đồng thời thấp nhất trong cả nước.

Vĩnh Long là tỉnh có chỉ số giá sinh hoạt thấp thứ hai trong cả nước. Chỉ số giá SCOLI của Vĩnh Long bằng 91,91% so với Hà Nội. Mức giá bình quân các nhóm hàng của Vĩnh Long từ 86,39% đến 99,14% so với mức giá chung của thủ đô.

Năm 2016, Vĩnh Long chưa tăng giá dịch vụ y tế.

Trong nhóm các địa phương có chỉ số giá thấp, khu vực phía Bắc có sự góp mặt của Nam Định. Giá bình quân các nhóm hàng của tỉnh Nam Định chỉ từ 80% đến 95% so với thành phố Hà Nội.

Trong năm 2016, tỉnh Nam Định không tăng giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục.

Gia Lai và Đắk Lắk là 2 địa phương có sự biến động chỉ số SCOLI lớn nhất so với năm 2015. 

Cụ thể, Gia Lai từ vị trí thứ 36 xuống vị trí 47 năm 2016; Đắk Lắk từ 14 xuống thứ 37. Điều này đồng nghĩa với việc 2 địa phương này có mức sống dễ chịu hơn nhiều so với năm 2015.

Các tỉnh khác là Cà Mau, An Giang, Kiên Giang cũng có sự thay đổi theo hướng xuống bậc với mức giá tiêu dùng “rẻ” hơn.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, các tỉnh có mức giá thấp nhất trong cả nước phần lớn do giá các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống thấp hơn so với Hà Nội. Các tỉnh này cũng chưa tăng giá giáo dục và dịch vụ y tế trong năm 2016.

Bên cạnh đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, hàng may mặc tại các tỉnh này cũng có mức giá giảm hơn năm trước từ 2% đến 10%. Các nhóm hàng văn hóa, giải trí, du lịch cũng không đắt đỏ.

Tổng cục Thống kê nhận định năm 2016 là năm thành công của Chính phủ trong điều hành, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý tiệm cận dần với giá thị trường.

Vì gần với giá thị trường hơn nên giá hàng hóa, dịch vụ trên thị trường không biến động nhiều. Đây cũng là lý do giúp chỉ số giá SCOLI năm 2016 không biến động lớn so với những năm trước.

SCOLI là chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng, mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định và thường là một năm.

Theo Zing