Nhà giá rẻ Hà Nội vẫn gặp nhiều thách thức trong việc tạo dựng lòng tin nơi khách hàng.

27/02/2017

70% nhu cầu của thị trường bất động sản (BĐS) tập trung ở phân khúc nhà giá rẻ. Việc nhiều doanh nghiệp chuyển hướng làm nhà bình dân trong thời gian gần đây cho thấy các đơn vị BĐS đã có sự thay đổi chiến lược đầu tư: hướng tới nhu cầu thực của số đông. Dù nguồn cầu cao và nguồn cung dồi dào hơn nhưng nhà giá rẻ Hà Nội vẫn gặp nhiều thách thức trong việc tạo dựng lòng tin nơi khách hàng.

Cuối năm 2016, hai tháng đầu năm 2017, nhiều dự án nhà đất giá rẻ được chào bán trên thị trường Hà Nội đã mở ra nhiều cơ hội lựa chọn cho khách hàng.Tuy nhiên, trên thực tế, người mua nhà vẫn e dè với loại hình BĐS này.

Thông tin về hàng ngàn căn hộ giá rẻ của đại gia Vingroup khiến chị Vũ Thị Tân (khu tập thể Thái Hà, Đống Đa) khấp khởi mừng thầm. Do điều kiện tài chính có hạn, hai năm nay, vợ chồng chị tìm hiểu các dự án giá rẻ nhưng luôn lo ngại vấn đề chất lượng. Chị Tân chia sẻ: “Tiềm lực tài chính và uy tín của Vingroup từ các dự án trước khiến tôi có niềm tin vào chất lượng nhà giá rẻ Vincity”.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, chị Tân thất vọng bởi các dự án Vincity của Vingroup đều quá xa trung tâm. Hai dự án Vincity tại Hà Nội thì một đặt tại xã Tân Hội và Liên Trung (Đan Phượng), một nằm tại Gia Lâm. Trong khi đó, cơ quan làm việc của vợ chồng chị là tại Đống Đa. Khoảng cách di chuyển từ 2 địa điểm trên tới chỗ làm đều trên 20km. Chị Tân cho biết: “Hơn 20km từ nhà đến nơi làm việc là khoảng cách khá xa. Dù hạ tầng giao thông ở 2 vị trí Vincity hình thành đều hoàn thiện và kết nối thuận tiện nhưng tình trạng tắc đường ở Hà Nội sẽ khiến việc di chuyển hàng ngày của vợ chồng tôi trở nên vất vả”.

 
Nguồn cầu với nhà giá rẻ rất lớn nhưng người tiêu dùng đang
ngày càng khắt khe, khó tính hơn trong việc lựa chọn “tổ ấm”

Có mức giá thấp hơn so với Vincity, Thanh Hà Cienco 5 từng nằm trong tầm ngắm của anh Trần Duy Nam (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy).Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, anh Nam quyết định từ bỏ ý định mua nhà tại đây. Nguyên nhân là khoảng cách xa trung tâm (15km) và những lùm xùm về chất lượng nhà giá rẻ của Mường Thanh.

Theo khảo sát của PV Batdongsan.com.vn với các môi giới, dù gây xôn xao thị trường với mức giá rẻ (9,5 – 10 triệu/m2) nhưng Thanh Hà Cienco 5 đã không tạo nên “cơn sốt” như những “người anh em” Linh Đàm, Xa La, Đại Thanh trong các năm trước… Khoảng cách xa trung tâm hơn hẳn và quá nhiều bất cập về chất lượng mà chủ đầu tư (CĐT) vướng phải ở các dự án trước đó khiến người tiêu dùng quay lưng.

Nhiều khách hàng xác định mua nhà giá rẻ là chấp nhận xa trung tâm. Nhưng bù lại “rào cản” khoảng cách thì hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị phải có sự đồng bộ. Nhưng phần lớn nhà giá rẻ Hà Nội lại vướng vào tất cả những “rào cản” trên.

Chị Hoàng Hà Phương, công tác tại 1công ty xuất nhập khẩu có trụ sở tại Thanh Xuân đang “ngắm nghía” dự án được mở bán đầu năm nay là Xuân Mai Complex. Theo chị Phương, điểm cộng của dự án là giá rẻ (16 triệu/m2) và khoảng cách đến chỗ làm không quá xa (9km). Tuy nhiên, khi biết dự án tọa lạc trên “con đường đau khổ” Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài) – con đường điển hình cho vấn nạn tắc đường của Hà Nội, chị Phương đã tạm gác lại ý định mua nhà tại đây và tiếp tục tìm hiểu các dự án khác.

Trong những năm 2014 – 2015, dù lép vế so với phân khúc trung và cao cấp, nhà giá rẻ Hà Nội vẫn lẻ tẻ xuất hiện. Nhưng xa trung tâm, thiếu tiện ích, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị không đồng bộ khiến nhiều dự án “yếu thế” trên thị trường.

Xuất hiện từ năm 2015 và có mức giá ngang với Thanh Hà Cienco 5 - dự án rẻ nhất thị trường hiện nay nhưng Lộc Ninh Singashine, CT Yên Nghĩa lại chưa nhận được sự quan tâm đông đảo của khách hàng. Nguyên nhân được cho là do vị trí xa trung tâm. Lộc Ninh Singashine thì ở Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội), CT Yên Nghĩa thuộc Yên Nghĩa (Hà Đông). Anh Nguyễn Văn Hoàng, một môi giới tự do cho biết: “Người mua những dự án này chủ yếu là người dân sinh sống và làm việc gần đó. Phần lớn các công ty, văn phòng lại tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, cách xa 2 dự án trên nên nhà ở khu vực này chưa thu hút được nhiều người”.

Nhiều năm nay, Hoài Đức là một trong những nguồn cung nhà giá rẻ khổng lồ của thị trường Hà Nội. Chung cư thương mại giá rẻ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu rổ hàng hóa. Phần lớn các dự án ở đây có mức giá dao dộng từ 10 – 15 triệu/m2 với các dự án tiêu biểu như:  CT Number One, Athena Complex, Gemek Premium, Gemek Tower, The Golden An Khánh, Tân Việt Tower, Tân Tây Đô, Bright City Az Thăng Long, XpHomes Tân Tây Đô…

Dù là một trong những nguồn cung nhà bình dân lớn nhất Hà Nội nhưng theo khảo sát dựa trên hành vi người dùng Internet của Batdongsan.com.vn – kênh thông tin có lượng truy cập lớn nhất Đông Nam Á thì liên tiếp trong 2 năm 2015 và 2016, 3 quận có lượng tìm kiếm căn hộ bình dân nhiều nhất Hà Nội lại không phải Hoài Đức mà là: Hà Đông, Hoàng Mai và Bắc Từ Liêm. Trong đó, Hà Đông giữ ngôi vị quán quân với 1,2 triệu lượt tìm kiếm.

Theo ông Lại Văn Tư, có nhiều nguyên nhân khiến nhà giá rẻ Hoài Đức chưa thực sự hấp dẫn khách hàng. Trước hết là do hạ tầng khu vực vẫn còn thiếu trong khi khoảng cách tới trung tâm thành phố khá xa. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư chỉ xây khu thương mại, khu giải trí, hoàn thiện mạng lưới an ninh, cảnh quan… nhưng lại không chú trọng đến hệ thống giáo dục, bệnh viện… dẫn đến quy hoạch thiếu cân đối: lĩnh vực thừa, lĩnh vực thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cư dân

Mặt khác, tại Hoài Đức, cư dân sinh sống phải di chuyển khá xa để đến nơi làm việc do loại hình BĐS văn phòng cho thuê chưa phát triển tại đây.

Rõ ràng, nguồn cầu với nhà giá rẻ rất lớn nhưng người tiêu dùng đang ngày càng khắt khe, khó tính hơn trong việc lựa chọn “tổ ấm”. Do vậy, dù nguồn cung được dự báo dồi dào trong năm 2017 nhưng các dự án nhà giá rẻ Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị trường.

Thúy An
(Theo Nhịp sống thời đại)