Nội đô đầy cao ốc, rồi sẽ ra sao?

30/12/2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích cộng đồng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra câu hỏi này khi phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 29-12.
 
 “Chấn chỉnh quy hoạch trước khi quá muộn”
 
Thủ tướng nói: “Có điều rất lạ là tất cả cơ sở di dời ra khỏi nội thành đều trở thành các khu đô thị cao tầng, mật độ rất cao. Nhiều khu chung cư cao 40-50 tầng dày đặc, gây ách tắc giao thông, quá tải trầm trọng giao thông, cấp thoát nước, môi trường. Trong khi từng chúng ta, con em, gia đình đang cần các công viên, công trình công cộng và góp phần thu hút du khách, phát triển du lịch bền vững”.
 
Từ thực tế này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đặc biệt TP.HCM và Hà Nội nghiêm túc rà soát, chấn chỉnh công tác quy hoạch đô thị trước khi quá muộn.
 
Thủ tướng yêu cầu “không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích cộng đồng”.
 
Thủ tướng cũng cho rằng nếu không sớm khắc phục tình trạng này, trong tương lai ngân sách nhà nước đổ vào không thể đủ để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng để chống ùn tắc giao thông.
 
“Nếu chúng ta không cấm xây chung cư cao tầng trong nội đô thì hàng loạt dự án đô thị ven đô, khu đô thị vệ tinh sẽ không tiếp tục được triển khai, bị bỏ hoang” - Thủ tướng nói thế và nêu ra trường hợp cụ thể - “Không có một lý thuyết quy hoạch nào tại trung tâm Giảng Võ xây dựng chung cư 50 tầng với mấy ngàn căn hộ. Làm sao chịu được? Ai cho phép? Quy hoạch nào cho phép?”.
 
Thủ tướng đặt câu hỏi: Với 2.800 căn hộ, mỗi nhà giàu có hai ô tô thì đi đường nào?
 
“Tôi đề nghị ngày 15-12 báo cáo lên đây nhưng đến nay chưa báo cáo. Mảnh đất nào trống, chúng ta cấp cho cao tầng hết thì Hà Nội sẽ ra sao? Nguy cơ này là do chúng ta gây ra” - Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Tham mưu sai cũng phải bị xử lý
 
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác, Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương ban hành và thực hiện quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2018-2020.
 
“Phải làm quyết liệt, từ chủ tịch tỉnh, các bộ trưởng phải làm đến nơi đến chốn, không để thất thoát, tham nhũng tiếp tục xảy ra. Kiên quyết xử lý doanh nghiệp, dự án thua lỗ ngàn tỉ không thể phục hồi, nếu để kéo dài thì thiệt hại càng lớn, thất thoát càng lớn” - Thủ tướng chỉ đạo.
 
Cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu công khai, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, kể cả người tham mưu, không thể để chuyện người tham mưu sai mà không xử lý.
 
“Bao nhiêu ông tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT tham mưu sai, tham mưu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng… gây hậu quả cho Nhà nước? Chúng ta phải xử lý nghiêm những tiêu cực này để ngăn chặn tham nhũng” - Thủ tướng nói.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt lưu ý việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nhiệm vụ rất quan trọng.
 
Trong việc chấn chỉnh đạo đức công vụ, xử lý cán bộ sai phạm, Thủ tướng cho rằng chúng ta có nhiều cơ chế nhưng quyết tâm chính trị chưa cao. “Chỉ có Chính phủ chỉ đạo thì chưa ăn thua. Nếu cơ sở chưa quyết liệt thì có khoảng cách giữa lời nói và hành động”. Thủ tướng nói và nêu dẫn chứng TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã cho thôi việc hai cán bộ ngủ gật khi tiếp dân.
 
 
Đức Minh (Pháp luật TP)