Tiềm năng phân khúc nhà giá rẻ cho người trẻ

04/02/2017

Nhu cầu về nhà ở của người trẻ được đánh giá là rất lớn. Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng đặc biệt quan tâm tới phân khúc này. Tuy nhiên, bài toán về giá bán phù hợp cho nhóm đối tượng này đang là thách thức đối với các nhà đầu tư.

Trăn trở giấc mơ có nhà

Năm 2014, thị trường bất động sản bắt đầu ấm lên với sự lĩnh xướng của dòng sản phẩm căn hộ có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu ở thực của người mua. Tuy nhiên, bước qua năm 2015, thị trường đảo chiều khi nguồn cung căn hộ trung cao cấp trở nên ồ ạt, trong khi căn hộ có giá bình dân ngày một ít đi. Điều này đồng nghĩa với cơ hội sở hữu nhà của những người người trẻ có tích lũy chưa nhiều càng trở nên khó khăn.

Lặn lội mưu sinh ở Sài Gòn đã gần 10 năm, nhưng anh Nguyễn Việt Hùng vẫn đang phải ở thuê trong căn phòng trọ chật hẹp. Ước mơ có một căn nhà để an cư luôn thôi thúc nhưng với điều kiện hiện tại thì anh Hùng vẫn chưa dám biến ước mơ đó thành hiện thực.

“Tôi đã tích lũy được 500 triệu đồng, nhưng số tiền này vẫn chưa thấm vào đâu so với giá bán của căn hộ thuộc dạng bình dân hiện nay. Một căn xem được có giá từ 1,5 tỷ đồng, nếu vay ngân hàng 1 tỷ nữa để mua thì không kham nổi tiền gốc và lãi hàng tháng bởi còn nhiều chi phí khác phải lo cho cuộc sống”, anh Hùng chia sẻ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu về nhà ở hiện nay của người dân đang rất bức bách. Ước tính mỗi năm thành phố có khoảng 50.000 cặp vợ chồng mới cưới có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, với số vốn tích lũy còn ít, thu nhập chưa ổn định nên khả năng với tới những căn nhà có giá cao như hiện nay là không thể.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, giá nhà so với mức thu nhập của người Việt Nam hiện nay còn chênh nhau. “Nếu như ở một số nước chỉ mất khoảng 6 năm lương để trả tiền mua một căn nhà, thì ở Việt Nam phải mất tới khoảng 30 năm”, ông Hiển so sánh. Vị Tiến sĩ này tính, một người trẻ có thu nhập từ 15 triệu/tháng thì có thể tính toán mua căn hộ trung bình có giá khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

“Điều kiện căn bản để có thể mua nhà là thu nhập từ 15 triệu/tháng, có công việc và một mức thu nhập ổn định, có tích lũy khoảng 20% giá trị căn nhà, có khoản dự trù cho chi phí sinh hoạt hàng tháng”, tiến sĩ Hiển cho biết.

Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Land, cho rằng những người trẻ vừa mới ra trường rất khó để mua nhà nếu như không có sự hậu thuẫn của gia đình. Người mới ra trường phải mất khoảng 3 - 5 năm để đi làm, tích lũy kinh nghiệm mới có được công việc với mức lương ổn định. Do đó, độ tuổi thích hợp để nghĩ đến chuyện mua nhà từ 25 - 30 tuổi. Hiện nay, nhiều ngân hàng cam kết cho vay lên tới 70% giá trị căn hộ. Nhưng theo ông Phúc, để an toàn, đảm bảo các nhu cầu cơ bản cho cuộc sống, tốt nhất người trẻ nên tích lũy khoảng 50%, còn lại 50% sẽ vay ngân hàng.

Chấp nhận đi xa một chút

Trong các báo cáo về thị trường bất động sản năm 2016, HoREA nhiều lần cảnh báo về sự lệch pha cung cầu của thị trường. Trong khi những dự án có giá bán đáp ứng nhu cầu thực xuất hiện lẻ tẻ thì nguồn cung của phân khúc cao cấp tăng mạnh và có nguy cơ “dội cung”.

Nhận thấy nguy cơ này, một làn sóng các nhà đầu tư quay đầu chuyển sang các sản phẩm bình dân để hướng đến những người mua ở thực. Hướng đi của các doanh nghiệp này là tìm quỹ đất ở các quận vùng ven nhưng đảm bảo các yếu tố về hạ tầng kết nối giao thông thuận lợi với khu trung tâm thành phố để xây dựng dự án.

Thực tế cho thấy, khu Đông TP.HCM đang là tâm điểm của cuộc chiến giữa các dự án có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn, với sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp lớn như Hưng Thịnh, Him Lam, N.H.O, Gia Hòa, C.T Group, Nam Long…

Sau khi thành công với hai dự án 9View (quận 9) và Lavita Garden (quận Thủ Đức), chủ đầu tư Hưng Thịnh tiếp tục tung ra dự án Moonlight Residence (đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức). Được biết, đây là dự án tích hợp giữa căn hộ chung cư và nhà phố. Tương tự, Him Lam Land, một tên tuổi gắn liền với các sản phẩm trung cao cấp, nay cũng chuyển hướng sang phân khúc nhà bình dân. Trong năm 2016, doanh nghiệp này tung ra thị trường khoảng 2.500 sản phẩm, trong đó số lượng nhà ở bình dân khoảng 400 căn từ một dự án trên trục Phạm Văn Đồng và 1.092 căn có giá tầm 1,5 tỷ đồng/căn tại một dự án ở quận 9.

Không chỉ hấp dẫn với doanh nghiệp nội, phân khúc nhà ở cho người trẻ cũng đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.

Sau thành công của dự án Flora Anh Đào (quận 9), Nam Long cùng với hai nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục “góp vốn” triển khai dự án mới có giá bán bình dân là Flora Fuji (quận 9) có quy mô 789 căn hộ. Một ông lớn địa ốc của xứ sở hoa Anh đào là Tập đoàn The Global Group mới đây cũng đã “bắt tay” với Công ty Nhà Mơ để phát triển dự án Dream Home Palace (quận 8) hướng đến khách hàng là những người trẻ.

Theo nhiều doanh nghiệp, việc phát triển các dự án nhà ở có giá bình dân đáp ứng nhu cầu thực của thị trường. Tuy nhiên, để theo được phân khúc này buộc nhà đầu tư phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là chi phí cho quỹ đất, chi phí vốn.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho rằng khi làm nhà cho người thu nhập thấp, thậm chí là rất thấp thì doanh nghiệp phải đặt lợi nhuận ở một mức nào đó chấp nhận được, chứ đừng nghĩ như làm nhà ở thương mại hay căn hộ cao cấp. Nhà ở giá rẻ tiềm năng thị trường mênh mông, phát triển bền vững nhưng lợi nhuận thấp. Để có được giá bán hợp lý thì doanh nghiệp cần có những thế mạnh riêng như có quỹ đất sẵn được gom từ nhiều năm trước với giá rẻ, có kinh nghiệm phát triển phân khúc này cũng như có nguồn tài chính ổn định.

Điều kiện căn bản để có thể mua nhà là thu nhập từ 15 triệu/tháng, có công việc và một mức thu nhập ổn định, có tích lũy khoảng 20% giá trị căn nhà, có khoản dự trù cho chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Người mới ra trường phải mất khoảng 3 - 5 năm để đi làm, tích lũy kinh nghiệm mới có được công việc với mức lương ổn định. Do đó, độ tuổi thích hợp để nghĩ đến chuyện mua nhà từ 25 - 30 tuổi.

Ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Land

Văn Mạnh