BOT vẫn chưa tìm được lối thoát

11/06/2018

“Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định nên công tác quản lý thu phí của cơ quan nhà nước gặp khó khăn. Các cơ quan được giao quản lý chưa đủ cơ sở để đề ra những biện pháp hữu hiệu giám sát công tác thu phí tại các dự án BOT” - Bộ GTVT cho biết.

“Đề nghị Bộ trưởng thẳng thắn xác định rõ trách nhiệm và lộ trình giải quyết các vấn đề trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc Bộ trưởng Bộ GTVT nói riêng và các vị bộ trưởng trả lời chất vấn nói chung tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Đây được xem là thước đo hiệu quả trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ.

Song qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hôm 4-6 thì có thể nói rằng lộ trình giải quyết các vấn đề nổi cộm được đại biểu Quốc hội nêu ra và đi kèm đó là trách nhiệm của người đứng đầu ngành vẫn chưa rõ.

Khi chất vấn ông Thể, các đại biểu Quốc hội chỉ tập trung chủ yếu vào vấn đề lớn nhất là cách xử lý các rắc rối tại các dự án BOT.

Đó là vấn đề các trạm thu phí, mức thu phí, doanh thu từng trạm, khoảng cách đặt trạm (70 ki lô mét/trạm) không đúng sẽ được sửa như thế nào... Ông Thể chỉ tiếp thu ý kiến và cho rằng việc công khai là trong tầm tay.

Cụ thể là, theo ông Thể, từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT sẽ triển khai toàn bộ hệ thống thu phí tự động không dừng để hiển thị tất cả các thông tin.

Trên thực tế hệ thống thu phí tự động không dừng hiện đã được lắp đặt ở 21/27 trạm trên toàn quốc, tuy nhiên dự án này đã nhiều lần lùi tiến độ hoàn thành từ năm 2018 sang cuối năm 2019. Chủ đầu tư dự án là Công ty VETC hiện mới chỉ huy động được 129/277 tỉ đồng vốn chủ sở hữu cho dự án và bị “vỡ” phương án kinh doanh khi doanh thu tại các trạm không đáp ứng được phương án tài chính. Đó là, sau ba năm đi vào vận hành, các chủ đầu tư dự án BOT không đồng ý chuyển 100% số thu phí về cho VETC mà giữ lại một nửa để quản lý, giám sát, hậu kiểm.

Như vậy ngay từ đầu, việc thu phí không dừng đã không đảm bảo tiến độ, không đảm bảo phương án đề ra và thậm chí nhà đầu tư có thể bị rút giấy phép nếu không góp đủ vốn thì cách nào để việc công khai mức phí tại các trạm BOT là “trong tầm tay” như lời Bộ trưởng Thể?

Nhiều đại biểu cũng chất vấn ông Thể về cách thức vận hành các trạm thu phí, chênh lệch số năm thu phí từ dự toán với kết quả kiểm toán, mật độ trạm thu phí dày đặc... và người đứng đầu ngành giao thông đã trả lời rằng các dự án chỉ có được thời hạn và mức phí sau kiểm toán và quyết toán chứ không phải theo dự toán. Số lượng quyết toán của Bộ GTVT với chủ đầu tư thậm chí còn thấp hơn kết quả kiểm toán. Thậm chí có những dự án đã giảm giá từ 2-3 lần.

Cũng theo chính báo cáo của Bộ GTVT khi đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và BT giai đoạn 2011-2015 (hồi tháng 6-2016), bộ này đã thừa nhận: “Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định nên công tác quản lý thu phí của cơ quan nhà nước gặp khó khăn. Các cơ quan được giao quản lý chưa đủ cơ sở để đề ra những biện pháp hữu hiệu giám sát công tác thu phí tại các dự án BOT”. Do vậy việc kiểm soát doanh thu đối với các dự án BOT hiện chỉ bao gồm: báo cáo doanh thu hàng tháng, quí, sáu tháng hay hàng năm. Trong khi nhà đầu tư thực hiện chế độ báo cáo chưa nghiêm và báo cáo không trung thực.

Thực tế như vậy mà Bộ trưởng Thể phát biểu là “việc thu phí đứng trên lợi ích của người dân” là chưa có cơ sở. Đồng thời ông cũng không nêu được giải pháp nào để kiểm soát mức phí trừ việc yêu cầu giảm giá theo kiểu “mệnh lệnh hành chính” mà không phải chủ đầu tư nào cũng tự nguyện thực hiện. Các giải pháp nào nhằm mua lại trạm BOT bất hợp lý, sửa lại quy định cự ly tối thiểu 70 ki lô mét/trạm… cũng không có. Nghĩa là người dân phải chờ đến khi Luật PPP được phê duyệt (theo lộ trình dự kiến nhanh nhất đến năm 2021 mới được trình ra Quốc hội) thì mới biết được lợi ích của người dân sẽ được giải quyết theo hướng nào.

Như vậy, với người đứng đầu ngành giao thông dù đã có hai lần xin lỗi về các vấn đề khác nhau, 19 lần tiếp thu và 6 lần nhận trách nhiệm tại nghị trường nhưng các vấn đề nóng của ngành giao thông vẫn chưa có lối thoát.