Cơn sốt đất nền cần nhà nước "hạ nhiệt"
Chuyên gia bất động sản Huỳnh Phước Nghĩa nhận xét, các quyết định ngừng cho giao dịch, không cho tách thửa, không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất là biện pháp bất đắc dĩ nhưng cần thiết để hạ nhiệt cơn sốt đất phi lý hiện nay, giống như năm 2017 TP.HCM cũng đã phải đưa ra một giải pháp tương tự để cắt cơn sốt đất.Tuy nhiên, nhà nước cần xem xét và đưa ra một giải pháp tổng thể để làm giảm nhiệt cơn sốt đất về lâu dài.
Trước tình trạng giá đất tăng phi mã, nguy cơ bong bóng bất động sản, nhiều tỉnh, thành đã phải dùng giải pháp mạnh là ngưng chuyển nhượng, tách thửa đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất... để hạ nhiệt giá đất. Theo các chuyên gia, muốn hạ sốt, nhà nước phải vào cuộc.
Chuyên gia bất động sản Huỳnh Phước Nghĩa nhận xét, các quyết định ngừng cho giao dịch, không cho tách thửa, không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất là biện pháp bất đắc dĩ nhưng cần thiết để hạ nhiệt cơn sốt đất phi lý hiện nay, giống như năm 2017 TP.HCM cũng đã phải đưa ra một giải pháp tương tự để cắt cơn sốt đất. Tuy nhiên về lâu dài, để hạn chế tình trạng tăng giá đất phi lý như hiện nay cần xem xét, đưa ra giải pháp tổng thể. Trong đó, Chính phủ cần phải có một chính sách thuế để điều tiết những người nắm giữ nhiều đất đai. Đồng thời phải kiểm soát được được nguồn tiền đổ vào đất thì mới mong kiểm soát được giá đất.
bất động sản trong cơn 'sóng ngầm' Ông Bùi Quang Tín thì cho rằng một nền kinh tế thị trường là vừa tự điều tiết cung cầu, nhưng cũng cần sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết. Thời gian qua thông tin về các dự án rất lộn xộn, người dân muốn tìm hiểu không biết ở đâu. Nếu nhà nước có một doanh nghiệp công chuyên cung cấp thông tin các dự án cho người dân thì “cò đất” không thể lợi dụng để thổi giá lên được. Việc giá đất bị đẩy lên cao thời quan qua, một phần do cơ sở hạ tầng, phần còn lại là do người đầu tư thiếu thông tin.
Vì vậy, rất cần sự điều tiết, thậm chí can thiệp mạnh từ nhà nước để đưa thị trường về trạng thái ổn định, bảo vệ quyền lợi cho người dân, tránh tình trạng sốt ảo. Kiểm soát, thậm chí siết dòng vốn vào bất động sản, siết chặt thanh tra giám sát các dự án vay vốn từ ngân hàng và chỉ cho vay những dự án có pháp lý rõ ràng, đầy đủ. Bộ Xây dựng cần ban hành các chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà như dự án phải có bảo lãnh ngân hàng, dự án phải được xây dựng rồi mới được bán…
Một điều quan trọng trong thời điểm hiện nay là nhà đầu tư, đặc biệt là người dân cần hết sức tỉnh táo, cân nhắc đến dòng tiền. Nếu có một thì đầu tư một vì thị trường không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nếu thị trường đảo chiều, những ai đi vay ngân hàng để đầu tư sẽ giống như tình trạng cách đây 10 năm, nhiều người lâm vào cảnh khuynh gia bại sản.
Bài học năm 2006 - 2007 khi thị trường lên cơn sốt, nhà nhà lao vào bất động sản. Đến khi thị trường đi xuống, giá đất giảm, thậm chí bán lỗ cũng không ai mua.
Qua cơn sốt đó, sau hàng chục năm thị trường mới hồi phục. Một điều nữa, người dân cần tìm hiểu pháp lý bất động sản, không nên “nhắm mắt” mua đất bằng bất cứ giá nào.
“Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu như thị trường chứng khoán. Khi đã tăng quá cao sẽ có nhiều người chốt lời, nhà đầu tư lo lắng không dám mua vào nữa và đặc biệt là tâm lý sợ bong bóng vỡ. Khi dòng tiền chảy vào yếu là thị trường đảo chiều đi xuống ngay. Đối với bất động sản cũng vậy, khi dòng tiền yếu là giá rớt xuống ngay. Một điều nữa, những dòng tiền vào bất động sản xuất phát từ chính sách liên quan đến đất đai. Một khi chính sách thay đổi sẽ tác động đến dòng tiền chảy vào điển hình như ở Phú Quốc, Vân Đồn... khi chính quyền siết, thị trường lập tức đi xuống”, ông Tín cảnh báo.
Đình Sơn (Thanh Niên)