Hà Nội đề xuất cơ chế cho những dự án nghìn tỷ
21/12/2016
Lãnh đạo Hà Nội cho rằng, thành phố cần những chính sách đặc thù để triển khai các dự án hạ tầng đô thị, giải quyết nạn ùn tắc giao thông.
Chiều 20/12, tại phiên thảo luận của Thường vụ Quốc hội về chính sách đặc thù tài chính cho thủ đô, lãnh đạo Hà Nội đề nghị được hưởng cơ chế tài chính đã quy định trong Luật thủ đô, đồng thời đề xuất phân cấp để đầu tư một số dự án lớn (nhóm A).
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất, ngoài quy định theo luật Ngân sách, Luật thủ đô, kiến nghị phân cấp, ủy quyền cho thành phố thực hiện 4 dự án đầu tư công nhóm A: Đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) có tổng dự toán gần 8.000 tỷ đồng; dự án đường Tây Thăng Long số vốn dự kiến 1.400 tỷ; trụ sở Tòa án Hà Nội; mở rộng khu xử lý chất thải Sóc Sơn.
Ông Chung cũng đề nghị được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc chọn nhà đầu tư 7 dự án TPP (cầu Tứ Liên; hầm chui Trần Hưng Đạo...), cơ chế để phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ.
Theo Chủ tịch Hà Nội, qua rà soát thủ tục, dự án nhóm A trình Chính phủ thì “mất 755 ngày nếu suôn sẻ, nếu mắc một khâu thì phải 2 năm rưỡi mới xong chủ trương đầu tư”. Nếu trình các dự án nhóm A Hà Nội dự kiến đầu tư từ bây giờ thì phải đầu năm 2019 Chính phủ mới duyệt xong.
Ông Chung cho hay, đã có tiền lệ Thủ tướng ủy quyền cho Hà Nội xây cầu Vĩnh Tuy. “Nếu cho cơ chế đặc thù Hà Nội sẽ xong 5 cầu, kết nối các đường vành đai 1, 2, 3, 4 và hy vọng 2020 mới có thể giải quyết cơ bản nạn ùn tắc giao thông”, Chủ tịch Hà Nội nói.
“Hà Nội 5 năm trước tăng trưởng kinh tế bình quân trên 9%, nhưng đầu tư hạ tầng chỉ 4%. Tăng trưởng di dân tự do trung bình 1,4%, năm nay tăng 1,9%. Thành phố đang nhìn thấy thảm họa tiến dần phía mình mà không biết làm thế nào”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.
Lãnh đạo Thành ủy cho biết, khi xây nhà cao tầng có nhiều ý kiến chưa đồng tình, nhưng với sự gia tăng dân số như hiện nay, nếu không xây nhà cao tầng thì không có đất. Vấn đề là phải giải quyết tốt hệ thống giao thông. Thành phố quy hoạch 300 km tàu điện ngầm mà chưa làm được km nào, dù đã kêu gọi vốn xã hội hóa. Trong khi chi phí mỗi tuyến lên tới khoảng 2 tỷ USD.
Chia sẻ với Trung ương trong bối cảnh nguồn thu gặp khó khăn nhưng Bí thư Hà Nội cho rằng “Hà Nội phải có cơ chế đặc thù để vượt qua được những thách thức đang nhìn thấy rõ. Luật thủ đô ra rất hoành tráng nhưng có thực hiện được mấy đâu, một số quy định về tài chính ngân sách không thực hiện được hết”.
Lãnh đạo Thành ủy cho biết, có nội dung từ lúc ban hành Luật thủ đô chưa áp dụng, đó là quy định những dự án quan trọng, mang tính chiến lược vượt tầm Hà Nội thì trình Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ. “Đây là nút để gỡ được vướng mắc, nếu Quốc hội không duyệt thì Hà Nội không cách gì thoát được cái thảm họa mà tôi vừa nêu”, ông Hoàng Trung Hải nói.
Trước đó, báo cáo với Quốc hội 3 năm thực hiện Luật thủ đô, Chính phủ cho hay, đến ngày 1/7/2016, thành phố Hà Nội đăng ký hộ khẩu trên 1,8 triệu hộ, với 7,3 triệu nhân khẩu. Số lượng nhân khẩu tạm trú, số lượng dân di cư tự phát vào nội thành thủ đô những năm qua tăng đột biến. Đến nay, toàn thành phố có gần 70.000 hộ và 720.000 nhân khẩu tỉnh ngoài tạm trú.
Liên quan đến chính sách, cơ chế tài chính, ngân sách, báo cáo nêu từ năm 2013 đến nay, thành phố đã được Trung ương hỗ trợ 29 dự án hạ tầng trọng điểm, có tổng mức đầu tư (tất cả nguồn vốn) là trên 107.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có 227 dự án lớn, quan trọng do bộ, ngành trung ương đầu tư, với tổng mức vốn là gần 192.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn này thành phố cũng đã huy động được trên 530 tỷ đồng đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội.
Võ Hải (VnExpress)