Hà Nội: Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì tiền sử dụng đất

22/12/2016

Các hộ dân tiến hành kê khai, nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cùng một thời điểm. Nhưng việc áp dụng chính sách tài chính thay đổi nên Khu tập thể Coma7 (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) mới chỉ hoàn thành cấp sổ đỏ cho 95/238 hộ dân.

Mục lục

3 năm đổi 3 chính sách

Dẫn chúng tôi tham quan khu tập thể, ông Đinh Văn Dưng, Phó Bí thư Chi bộ, Khu tập thể Coma7 (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, khu tập thể có hơn 200 hộ dân, với gần 2.000 nhân khẩu. Đa phần người dân trong khu tập thể là cán bộ, nhân viên hưu trí, trước đây công tác tại Xí nghiệp Cơ khí xây dựng Liên Ninh, nay là Công ty CP xây lắp số 7 - (Coma7).

Trong khu tập thể, nhiều gia đình đã sinh sống, sử dụng đất ở ổn định trước năm 1993, trước thời điểm Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực; một số gia đình sử dụng đất sau năm 1993. Với nguồn gốc đất rõ ràng, sử dụng ổn định, hơn 90 hộ dân đã được cấp sổ đỏ. Số hộ dân còn lại khấp khởi chờ tới ngày làm sổ đỏ.

Tuy nhiên, khi biết được việc nộp tiền sử dụng đất có thể tăng gấp 10 lần so với trước đây, người dân rất hoang mang, lo lắng. Ông Dưng cho biết: “Đời sống chúng tôi trông chờ vào tiền hưu trí ít ỏi của Nhà nước. Nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất tăng lên, chúng tôi lấy đâu ra để nộp, làm sổ đỏ… ”.

Được biết, năm 2005, Phòng TN&MT huyện Thanh Trì và UBND xã Ngọc Hồi đã tiến hành hướng dẫn các hộ dân Khu tập thể Coma7 kê khai, hoàn thiện hồ sơ và xét duyệt đủ điều kiện để trình UBND huyện Thanh Trì cấp sổ đỏ. Nhưng thời điểm đó, Khu tập thể Coma7 chưa được bàn giao về Công ty kinh doanh nhà thuộc Sở TN&MT nên chưa có cơ sở để giải quyết.

Năm 2009, TP. Hà Nội lại có Quyết định 98/2009/QĐ-UBND, có nội dung, trường hợp các cơ quan tự quản phân phối đất, cho mượn đất để cán bộ công nhân viên tự làm nhà ở trước ngày 27/11/1992, giao UBND các quận huyện, thị xã thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2003…

Thực hiện chủ trương trên, Coma7 mới tiến hành hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, bàn giao đất khu tập thể về cho UBND huyện Thanh Trì. Vì có những vướng mắc về thủ tục pháp lý và thủ tục hành chính, đến tháng 10/2011, Coma 7 và UBND huyện Thanh Trì mới hoàn thành việc bàn giao.

Sau khi tiếp nhận, huyện Thanh Trì đã đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho các hộ dân, song đến nay mới chỉ cấp được 95 trường hợp, hiện vẫn còn 143 hộ dân chưa được cấp sổ đỏ theo quy định, trong đó có nguyên nhân những vướng mắc về chính sách áp dụng tài chính khi cấp sổ đỏ dẫn đến việc người dân chưa đồng thuận.

Ông Hà Ngọc Lâm, Bí thư chi bộ, Khu tập thể Coma 7 cho hay, năm 2013, TP. Hà Nội có Quyết định 13, quy định về cấp sổ đỏ. Văn bản chỉ tồn tại 1 năm, đến năm 2014, UBND thành phố lại có Quyết định 24 thay thế Quyết định 13. Tiếp đó, năm 2015 có Quyết định 37 thay thế Quyết định 24.

"Việc bàn giao khu tập thể lúc thì giao cho Sở TN&MT, lúc thì về huyện quản lý. Rồi quy định về cấp sổ đỏ nhiều lần thay đổi, khiến những hộ nộp hồ sơ cùng một thời điểm lại phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn nhiều lần là không phù hợp… Chúng tôi lương hưu giờ được 2-5 triệu đồng, tiền sử dụng đất quá nhiều, lấy tiền đâu mà nộp”, ông Lâm bức xúc.

Mức giá mới quá sức dân

Đại diện Khu tập Coma 7 đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Thanh Trì và các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại việc áp dụng khung giá đất cho phù hợp, đảm bảo sự công bằng cho các hộ dân cùng sống trong khu tập thể. Các hộ dân kiến nghị, việc cấp sổ đỏ Khu tập thể Coma 7 có thể áp dụng theo khoản 3 - Điều 79, Quyết định 24/2014 của thành phố, quy định hướng dẫn xử lý chuyển tiếp các hồ sơ còn tồn đọng theo quy định tại Quyết định 13/2013/QĐ - UBND thành phố.

Bên cạnh đó, UBND huyện Thanh Trì cũng đã có Văn bản số 414, báo cáo khó khăn và vướng mắc trong công tác cấp sổ đỏ đối với Khu tập thể Coma7. Nhưng đến nay, những vướng mắc trên vẫn chưa được giải quyết, trong khi người dân tiếp tục phản đối việc áp dụng mức thu tiền sử dụng đất theo khung giá mới.

Một đại diện Sở TN&MT Hà Nội lý giải, việc áp dụng khung giá thu tiền sử dụng đất phải căn cứ vào giấy tờ xác nhận nguồn gốc đất của chính quyền địa phương, từ đó cơ quan thuế sẽ lấy làm căn cứ thu tiền, do đó chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn cho người dân nếu thấy đề nghị của người dân có cơ sở.

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật Interla (Đoàn LSTP Hà Nội), trong các văn bản pháp luật đều có quy định sự chuyển tiếp khi áp dụng pháp luật. Nguyên tắc chung văn bản sau bổ sung, điều chỉnh cho quá trình thực tế nhưng phải công nhận những tính pháp lý, bảo đảm quyền lợi ích chính đáng của người đã nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ. Rõ ràng quyền và lợi ích của người dân luôn luôn được đảm bảo khi Quyết định 13, 24, 37 của UBND TP. Hà Nội đều có quy định sự chuyển tiếp, trong văn bản có tính kế thừa và đương nhiên tính kế thừa phải được thực hiện, áp dụng. Tinh thần Quyết định 13 đã rõ ràng thì cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng cho người dân đơn giá đất trước đây mà người dân đã hoàn thành hồ sơ.

(Theo Tiền Phong Online)