Hợp đồng thuê mặt bằng có cần công chứng không?

08/03/2019

Hợp đồng thuê mặt bằng có cần công chứng không? Nếu không công chứng thì có bị vô hiệu không? Đây là những thắc mắc của rất nhiều nhà đầu tư, chủ mặt bằng cho thuê khi tiến hành giao dịch đối với bất động sản. Tuy nhiên, chúng ta cần căn cứ trên quy định của pháp luật để biết liệu cần công chứng hợp đồng thuê mặt bằng không? Bds123.vn tham vấn chuyên gia và rà soát các văn bản pháp luật để đưa tới cho độc giả lời giải đáp rõ ràng nhất dưới đây.

Đối với các hợp đồng thỏa thuận dân sự nói chung và hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh nói riêng, việc công chứng hay không sẽ ảnh hưởng tới tính hiệu lực của hợp đồng. Tùy theo loại hình hợp đồng, đối tượng làm hợp đồng dân sự mà luật pháp quy định hợp đồng có cần phải chứng thực hay không.

Theo pháp luật hiện hành, các luật điều chỉnh việc công chứng cho hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh bao gồm: Luật nhà ở năm 2014, Luật Dân sự năm 2005 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Theo Điều 492 Luật Dân sự 2005 quy định: “Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Như vậy nếu hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh của bạn có thời hạn từ sáu tháng trở lên thì cần phải công chứng.

Photo: Nếu người cho bạn thuê mặt bằng không phải doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì hợp đồng thuê mặt bằng bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực. Nguồn: Internet

Theo khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: “Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực.” Điều này có nghĩa là bạn cần phải xác định xem người cho thuê mặt bằng là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hay không để kết luận có cần công chứng hợp đồng thuê mặt bằng hay không.  Cũng theo Luật Kinh doanh bất động sản quy định về doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.” Như vậy nếu người cho bạn thuê mặt bằng chỉ là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho thuê mặt bằng với quy mô nhỏ, không thường xuyên và chưa thành lập doanh nghiệp thì hợp đồng thuê mặt bằng này bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực.

Photo: Nếu bạn thuê nhà làm mặt bằng kinh doanh thì luật pháp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên trong trường hợp bạn thuê nhà ở để vừa sử dụng cho sinh hoạt vừa dùng để làm mặt bằng kinh doanh thì có thể căn cứ trên Luật nhà ở năm 2014 (trong trường hợp không xung đột với các Luật trên). Theo đó, đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng (trừ khi các bên có nhu cầu). Như vậy, nếu bạn thuê ở để nhà làm mặt bằng kinh doanh thì luật pháp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê.

Mặc dù vậy, khi bạn thuê mặt bằng hay cho thuê mặt bằng trong thời hạn dài với giá trị thuê lớn thì nên tới chứng thực tại các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn nếu có các tranh chấp rủi ro xảy ra. Các nhà đầu tư và chủ cho thuê mặt bằng có thể tham khảo cụ thể hơn các quy định tại Điều 134 và Điều 492 Luật Dân sự năm 2005; Điều 10 và Điều 17 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Luật nhà ở năm 2014. Hy vọng những tư vấn của bds123.vn đã phần nào giúp các nhà đầu tư làm rõ các trường hợp hợp đồng thuê mặt bằng cần công chứng.

Mai An

Theo Blog Bds123.vn