Thị trường BĐS tăng nhiệt dịp cuối năm

16/12/2016

Nhận định về thị trường những tháng cuối năm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, cuối năm 2016, thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng trưởng nhỉnh hơn so với quý III bởi từ nay đến Tết Đinh Dậu là giai đoạn cao điểm trong năm.

Mục lục

Cuối năm, thị trường BĐS tăng nhiệt

Nhận định về thị trường BĐS những tháng cuối năm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho rằng, các tháng cuối năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng nhỉnh hơn so với quý III, do từ nay đến Tết Đinh Dậu là giai đoạn cao điểm trong năm. Cùng với sự tăng nhiệt của thị trường, giá nhà đất cuối năm cũng có xu hướng tăng.

Theo khảo sát của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, trong các tháng 7, 8 và 9 vừa qua, tại Tp.HCM giá tiếp tục có xu hướng tăng, nhất là thị trường sơ cấp. Cùng với đó, giá bán căn hộ cũng tăng ở tất cả các phân khúc thị trường. Trong đó, phân khúc bình dân ghi nhận mức tăng cao nhất (2.2% theo quý). Ở thị trường thứ cấp, căn hộ có giá bán tăng chậm so với các quý gần đây. Áp lực từ nguồn cung dồi dào lên các dự án đã hoàn thành ngày càng rõ hơn.

Tại Hà Nội, thị trường sơ cấp có giá bán duy trì xu hướng tăng, mức tăng cao nhất trong quý 3 được ghi nhận ở phân khúc cao cấp với mức tăng đạt 3.6% theo quý. Ở thị trường thứ cấp, xu hướng tăng giá theo quý có phần chậm lại, đạt mức 1.1% trong quý so với mức trung bình 1.5% ghi nhận từ quý I/2015.

Khảo sát của JLL cũng cho biết, một số dự án đã hoàn thiện, đặc biệt là các dự án cao cấp và sang trọng, ghi nhận giá giảm do áp lực cạnh tranh. JLL đưa ra dự báo, thời gian tới, giá bán sẽ còn tăng thêm.

Nhận định về thị trường BĐS cuối năm, Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, sự sôi động của thị trường còn do giá BĐS tăng vào thời điểm cuối năm. So với năm ngoái, đất nền ở Hà Nội đã tăng khoảng 1.3%. Riêng ở những khu vực ven đô thị thì mức tăng cao hơn từ 10 - 15% khi nhiều tuyến đường đã và đang hoàn thành.

Riêng tại Tp.HCM, giá giao dịch BĐS không có nhiều biến động, chỉ có hiện tượng tăng giá tại một số dự án phân khúc trung cấp có tiến độ triển khai tốt, vị trí đẹp, có những chính sách hỗ trợ tín dụng và cam kết thời gian bàn giao. Nhiều dự án chung cư bình dân sắp bàn giao có mức tăng giá thấp nhất là 100 triệu đồng và cao nhất là 300 triệu đồng.

Cảnh báo lệch pha cung - cầu

Một trong những điểm chú ý trên thị trường BĐS thời gian qua là việc xuất hiện quá nhiều dự án BĐS cao cấp có thể khiến lệch pha trong nguồn cung. Trong đó, có nhiều ý kiến đã lên tiếng cảnh báo việc ồ ạt “đổ” vốn vào phân khúc này.

Trong báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho biết, cơ cấu hàng hóa đang có sự mất cân đối. Trong khi nhu cầu của đại bộ phận người dân là nhà ở phân khúc trung bình và thấp (chiếm 70% nhu cầu) thì trên thị trường hầu hết các dự án lại cung cấp hàng hóa BĐS là nhà ở cao cấp, thiếu hàng hóa có giá bán thấp, tại Thành phố Hà Nội và Tp.HCM có rất ít căn hộ mới có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2.

Chênh lệch cung cầu cũng là một trong những cảnh báo được Hiệp hội BĐS Việt Nam đưa ra trong 9 tháng qua. Theo đó, thị trường có sự phát triển lệch pha cung - cầu, phân khúc thị trường BĐS cao cấp đang có sự tăng trưởng rất lớn. Rất nhiều các dự án BĐS cao cấp - hạng sang, các dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng, đã có dấu hiệu cung vượt cầu.

Trên thực tế, tại Tp.HCM, hiện nay ngoài khu trung tâm Thành phố và khu đô thị Nam Sài Gòn, đang hình thành thêm một khu vực mới, tập trung phát triển các dự án BĐS cao cấp ở khu phía Đông Thành phố và một số dự án cao cấp tại các quận 6, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận.

“Rà phanh” BĐS cao cấp

Tháng 10/2016, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng với BĐS, đặc biệt là đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong đó, nhà điều hành yêu cầu các ngân hàng rà soát việc cấp tín dụng với một số chủ đầu tư lớn và tránh tập trung tín dụng để giảm thiểu rủi ro.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng được văn bản dẫn lại, hiện nguồn cung nhà ở cao cấp đang nhiều hơn nhà xã hội và thương mại giá rẻ. Dự báo từ nay đến cuối năm, phân khúc này có thể dư thừa. "Do đó, đề nghị ngân hàng hạn chế và thận trọng khi xem xét, thẩm định cho vay các dự án mới, đặc biệt là dự án nhà ở thương mại cao cấp, khu nghỉ dưỡng, dự án có khả năng thanh khoản thấp", văn bản của Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Đối với những dự án đang tài trợ vốn, nhà điều hành cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá lại tình hình cho vay, giám sát chặt việc dùng vốn vay, tiến độ, tình hình tài chính, doanh thu và các nguồn trả nợ khác của khách để có biện pháp tăng cường quản lý rủi ro, đảm bảo thu hồi vay nợ đầy đủ, đúng hạn.

(Theo Vietnamnet)