TP Hồ Chí Minh: Nhức nhối vì những dự án “treo”
02/12/2016
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng hơn 1.200 dự án đang còn hiệu lực triển khai. Tuy nhiên, có đến gần 500 dự án chưa được khởi công. Hàng trăm dự án khác tuy đang thực hiện nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vấn đề đặt ra đối với thành phố Hồ Chí Minh là làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn cho các dự án này, khi năm 2016 sắp hết.
Hàng loạt dự án có quy mô lớn tại thành phố Hồ Chí Minh được quy hoạch từ 7-8 năm, thậm chí đến hơn 20 năm nay chưa được triển khai có thể kể đến như: Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa, thuộc phường 28, quận Bình Thạnh rộng hơn 426 ha do Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị Đại học quốc tế tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn do Tập đoàn Berjaya Việt Nam làm chủ đầu tư rộng 900 ha; dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi với diện tích hơn 485 ha do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư; dự án ga Bình Triệu do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư rộng hơn 47 ha tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; khu Trung tâm dân cư Tân Tạo và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng với quy mô thu hồi đất gần 500 ha do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư; gần 200 ha thuộc dự án của một số trường đại học, trường chuyên ngành và trường cao đẳng, ký túc xá tại quận 9 nhiều năm chưa triển khai.
Ông Trần Văn Trai, người dân ở Ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cho biết: “Tôi đề nghị thành phố cần làm cho thực tế, sớm nhất. Chứ cứ kéo dài như vậy thì đất người dân không có để sản xuất mà bỏ hoang thế này thì rất lãng phí. Dự án mà không khả thi thì đề nghị trả lại cho người dân để sản xuất, phát triển kinh tế. Cuộc sống của người dân đang ổn định, phát triển kinh tế đang ổn định, giờ thì bị kéo xuống đến đói nghèo”.
Việc chậm triển khai hàng nghìn ha đất trong các dự án đã được quy hoạch tại thành phố Hồ Chí Minh đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND phường 28, quận Bình Thạnh cho biết: “Hiện nay, cái khó khăn của người dân là liên quan đến xây dựng, sửa chữa nhà. Cũng do quy hoạch mà người dân bị vướng trong việc tách thửa, cấp quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Về phía phường thì cũng giống như người dân ở địa phương, mong mỏi quy hoạch sớm được triển khai thực hiện để bà con sớm ổn định và an tâm trong cuộc sống”.
Trong số 325 dự án đã khởi công trong thời gian qua tại thành phố Hồ Chí Minh, có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng hoạt động vì thiếu vốn. Với quyết tâm xóa quy hoạch “treo”, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thu hồi hàng loạt dự án chậm không triển khai theo đúng kế hoạch. Trong đó, ba khu công nghiệp tại huyện Củ Chi và Hóc Môn đã bị xóa bỏ để điều chỉnh theo hướng điểm dân cư nông thôn hiện hữu và đất sản xuất nông nghiệp. Đó là các khu công nghiệp Xuân Thới Thượng, Phước Hiệp và Bàu Đưng.
Tuy xóa bỏ ba khu công nghiệp nhưng thành phố Hồ Chí minh vẫn giữ nguyên quỹ đất công nghiệp là 7.000 ha. Đối với các dự án kéo dài, UBND thành phố đang chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát và có hai hướng xử lý. Dự án nào kéo dài mà có lý do chính đáng thì bổ sung hồ sơ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Dự án nào kéo dài mà không hiệu quả, ảnh hưởng người dân sẽ bị thu hồi.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng ta xử lý các dự án chậm triển khai nhưng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại khu vực đó, tại vị trí có dự án đó vẫn tồn tại”.
Việc chậm triển khai các dự án tại thành phố Hồ Chí Minh, ngoài nguyên nhân là do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, còn có một nguyên nhân khác là do vướng mắc trong khâu giải tỏa, đền bù.
Tại huyện Nhà Bè, trong 60 dự án đang còn hiệu lực triển khai thì có đến 26 dự án chưa khởi công, 28 đang thực hiện các khâu giải tỏa đền bù, san lấp mặt bằng và xây dựng công trình.
Tuy nhiên, nhiều dự án chỉ còn thời hạn đến hết năm 2016 và sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ. Thậm chí, có những dự án đang triển khai, dù đã giải tỏa đền bù được 80-90% nhưng vẫn chưa thể triển khai như: Dự án khu đô thị do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư rộng 92 ha tại xã Phước Kiển; khu đô thị tại xã Phước Lộc do Công ty Tân Hải – Đại Nhân làm chủ đầu tư rộng 70 ha.
Theo ông Võ Thành Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè thì chính quyền địa phương chỉ làm cầu nối giữa chủ đầu tư và người dân, cung cấp cho chủ đầu tư thông tin về quy hoạch và vận động người dân chấp thuận chủ trương giải tỏa, đền bù của huyện để dự án được triển khai thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, kết quả của công tác vận động, tuyên truyền nói trên còn rất hạn chế: “Sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân chưa đạt được kết quả. Đây là khó khăn lớn nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ chung đối với các dự án tại huyện Nhà Bè. Huyện sẽ cùng các ngành, trong đó chỉ đạo các xã ở mức độ vận động, tuyên truyền và kết nối để làm sao kết quả thỏa thuận bồi thường giữa người dân và doanh nghiệp đạt kết quả cao hơn”.
Theo chủ trương của UBND thành phố Hồ Chí Minh, những dự án mà chủ đầu tư không có năng lực sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, vị trí quy hoạch không thay đổi mà vẫn giữ nguyên. Trong khi thành phố chưa thu hút được các nhà đầu tư mới đối với các dự án đã bị thu hồi, người dân ở trong vùng quy hoạch vẫn bị hạn chế nhiều quyền lợi mà lẽ ra họ được hưởng.
Đăng Quân (Nhân dân)