TPHCM: Quyết tâm chỉnh trang, phát triển đô thị
Thời gian qua, dù đã đạt được nhiều thành tựu lớn nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều tồn tại khi quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị (PTĐT) chưa theo kịp tốc độ phát triển. Vì vậy, “Chỉnh trang và PTĐT” là một trong bảy chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh và để hiện thực hóa chương trình cần sự nỗ lực, quyết tâm của cả lãnh đạo cùng người dân.
Không quy hoạch theo kiểu “chia đều” dân số
Theo TS.KTS Lê Văn Năm, nguyên KTS trưởng TP Hồ Chí Minh, công tác quy hoạch của thành phố chưa thật sự đi trước một bước làm tiền đề cho các ngành khác phát triển. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, môi trường bị ô nhiễm… vẫn nghiêm trọng và có phần gay gắt hơn. Còn theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, trong khi đất dành cho PTĐT đã gần hết thì việc sử dụng đất ở nhiều nơi vẫn còn kém hiệu quả.
Hiện, theo các đồ án quy hoạch thành phố đang phân chia dân số khá đều cho các quận, huyện mà không dựa trên các cơ sở khoa học như điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Chính vì vậy mà các khu vực thuận lợi cho PTĐT cũng chưa triển khai được, trong khi đó các khu vực không thuận lợi cho PTĐT càng không thể phát triển được, đất giao nhiều năm vẫn “án binh bất động” trở thành dự án “treo”.
Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, cần quy hoạch lại, không nên phân bố dân số theo kiểu “chia đều” như hiện nay. Việc chỉnh trang và quản lý đô thị cần dựa trên hiện trạng đất đai, địa hình địa chất, bài toán kinh tế - xã hội được dự báo chính xác của từng vùng, không tăng dân số ở khu vực đất yếu, bị ngập nước và đưa dân về nhiều hơn ở vùng đất cứng, cao ráo…
TS.KTS Lê Văn Năm cũng cho rằng, không nên quy hoạch thụ động khống chế dân số theo từng quận, huyện một cách máy móc. Nên điều chỉnh quy hoạch mới cần định hướng PTĐT dựa vào hành lang vận tải công cộng (VTCC) có sức chứa lớn và tốc độ nhanh như metro và xe buýt nhanh. Các chung cư cao tầng tập trung quanh các điểm nút giao thông công cộng sẽ hình thành dạng đô thị nén thích hợp với đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh.
TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng cho rằng, TP Hồ Chí Minh nên gắn chỉnh trang và PTĐT theo định hướng VTCC với khởi đầu là tuyến metro số 1. Việc phát triển mật độ cao dọc theo các tuyến VTCC làm cho việc sử dụng cơ sở hạ tầng hiệu quả và bền vững hơn. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất PTĐT gắn với hệ thống giao thông công cộng, lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch đô thị.
Cần cơ chế đặc thù để phát triển đô thị
Theo tính toán, TP Hồ Chí Minh cần đến 1,8 triệu tỷ đồng cho tổng đầu tư giai đoạn 2016-2020. Chỉ riêng Ngành Giao thông, trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn cho các dự án trọng tâm của chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông là khoảng 315.000 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách thành phố 38.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương 80.000 tỷ đồng, vốn ODA 72.000 tỷ đồng và cần đầu tư kêu gọi khoảng 125.000 tỷ đồng.
Theo TS Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh, xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị là trách nhiệm của TP Hồ Chí Minh vì mục tiêu an sinh xã hội cho người dân. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn nên ngân sách khó đáp ứng. Do vậy ông Phạm Phú Quốc đề ra một số giải pháp nhằm gia tăng nguồn vốn tập trung vào ba giải pháp chính. Theo đó, một là tăng cường nguồn thu cho ngân sách thành phố như giữ lại nhiều hơn các nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, từ tiền sử dụng đất do các cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn…; hai là thực hiện đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) để giảm áp lực lên nguồn vốn ngân sách; ba là triển khai các giải pháp tạo nguồn thu huy động mới như áp dụng một số thuế hay phí đặc thù, chuyển nhượng quyền khai thác dự án…
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình “Chỉnh trang và PTĐT” là một trong bảy chương trình đột phá mà thành phố sẽ dồn lực, dốc sức thực hiện. Trong những năm qua việc PTĐT của thành phố có nhiều hướng tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển khu đô thị mới, nhà ở xã hội, di dời nhà ở ven kênh rạch, xây dựng lại nhiều chung cư cũ... Để tiếp tục hoàn thành việc chỉnh trang và PTĐT với các mục tiêu đề ra, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương cho phép thành phố được áp dụng một số cơ chế đặc thù, trong đó có cơ chế tài chính để kêu gọi những nguồn lực khác nhau cho đầu tư chỉnh trang và PTĐT.
Đặng Loan (Hà Nội mới)