Xu thế dòng tiền: Ưu tiên kiểm soát rủi ro
Index giảm xuống dưới ngưỡng 670 điểm được các chuyên gia thống nhất nhìn nhận về một xu thế giảm ngắn hạn...
Tuần trước, các chuyên gia mà chúng tôi phỏng vấn không đánh giá cao về những biến động phục hồi chậm nên việc thị trường tuần này phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 670 điểm cũng không tạo ra nhiều bất ngờ.
Tuy nhiên phản ứng trước thị trường lại thể hiện sự khác biệt trong chiến lược giao dịch. Đối với các giao dịch dài hạn, đây được xem là cơ hội mua vào nếu thị trường tiếp tục sụt giảm nhanh trong tuần tới. Danh mục dài hạn vẫn được duy trì.
Ngược lại, số đông các chuyên gia còn lại đã phản ứng theo thị trường và cắt giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống. Đó được xem là hành động hợp lý trong ngắn hạn.
Những yếu tố khiến các chuyên gia thận trọng trong ngắn hạn vẫn là những diễn biến không thuận khi nguy cơ về áp lực margin ở một số cổ phiếu cao, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng. Xuất hiện vài lo ngại về tình hình bầu cử Tổng thống Mỹ trong tuần tới, nhưng vẫn được đánh giá là có thể chỉ tác động ngắn hạn.
Hành động phổ biến được khuyến nghị lúc này là đứng ngoài quan sát, giảm tỷ trọng cổ phiếu và đặc biệt nên giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy.
Nguyễn Hoàng
Không chỉ riêng anh chị mà rất đông các thành phần của thị trường đều nhìn vào ngưỡng 670 điểm như một mức hỗ trợ mạnh, và tuần qua mốc này đã bị xuyên thủng. Mặc dù vậy thị trường lại không rơi vào cảnh bán tháo mạnh. Theo anh chị nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
Bà Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Mốc 670 không bảo vệ được, nhiều nhóm cổ phiếu vỡ hỗ trợ, không còn cổ phiếu giữ nhịp như các tuần trước. Với tôi đây là tín hiệu hạ tỷ trọng cổ phiếu.
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Trong tháng 10 vừa qua VN-Index dao động trong kênh giá 670-690 điểm với ngưỡng hỗ trợ tại 670 điểm. Tuy nhiên trong tuần ngưỡng hỗ trợ này đã bị phá vỡ và đây là một tín hiệu cho thấy sự rủi ro ngắn hạn tăng lên.
Sự sụt giảm tuy không mạnh cho thấy tâm lý thị trường cũng như dòng tiền vẫn tương đối tốt với lực cầu bắt đáy vẫn đang chờ đợi. Trong bối cảnh hiện tại khi rủi ro ngắn hạn tăng lên sự thận trọng của nhà đầu tư nên được đề cao, hành động hợp lý là gia tăng tỷ trọng tiền mặt và chỉ nắm giữ các cổ phiếu có kết quản kinh doanh tốt trong quý 3.
Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Như nhận định trong nhiều tuần trước, tôi cho rằng xu hướng thị trường sẽ rõ ràng hơn trong đầu tháng 11 và dự báo này đã tương đối chính xác. Thị trường đã chính thức xác lập xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn, tín hiệu rõ ràng nhất là ngưỡng cản 670 điểm bị gãy, đường “uptrend” đã bị phá vỡ và thanh khoản tiếp tục sụt giảm.
Với diễn biến thị trường như trên, cộng với quan điểm thận trọng tôi đã nêu trong những lần nhận định trước đó, tôi cho rằng giai đoạn này nhà đầu tư nên đặt mục tiêu kiểm soát rủi ro lên hàng đầu.
Mặc dù không xuất hiện việc bán tháo hàng loạt nhưng tài khoản nhà đầu tư rất dễ bị bào mòn khi việc điều chỉnh diễn ra khá từ từ và ở các phân lớp cổ phiếu khác nhau. Hành động cần thiết lúc này là hạ tỷ lệ đòn bẩy (margin) và giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu, chỉ giữ lại những cổ phiếu thực sự tốt để duy trì trạng thái danh mục.
Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng, các nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát và chờ đợi thêm những tín hiệu rõ nét hơn về mặt xu hướng, cũng như phản ứng của thị trường đối với thông tin từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong tuần tới rồi mới ra quyết định hành động.
Trong kịch bản, thị trường xuất hiện phản ứng hồi phục tại vùng 655-660 điểm, các nhà đầu tư nên tránh các hoạt động mua đuổi giá, chỉ nên kê lệnh ở các vùng giá thấp để hạn chế rủi ro.
Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng cao thì chỉ nên chờ thị trường hồi phục để kéo giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn, hạn chế các hoạt động trading gối đầu thêm.
Ông Lê Đức Khánh-Chính những lúc thị trường điều chỉnh đi ngoang hoặc chưa có tín hiệu gì cho sự hồi phục trở lại thì chiến lược nắm giữ các cổ phiếu tốt ở mức giá hấp dẫn lại mang lại lợi thế tốt hơn cả so với việc nắm giữ cổ phiếu đầu cơ hoặc chất lượng kém hơn.
Tâm lý nhà đầu tư thường sẽ rơi vào trạng thái chán nản hoặc bán cắt lỗ là khá phổ biến trong giai đoạn hiện tại. Theo tôi, việc chủ trương chủ động nắm giữ cổ phiếu triển vọng với mục tiêu dài sẽ không cần quá quan tâm đến thị trường diễn biến trong ngắn hạn.
Việc khó nhất là dự báo được xu hướng thị trường cũng như chọn ra được mã cổ phiếu cần mua rồi để thị trường tự định giá lại nó khi giai đoạn hồi phục mạnh lại chuẩn bị cận kề. Kiên nhẫn vẫn là điều khá xa xỉ đối với những nhà đầu tư non kinh nghiệm.
Nguyễn Hoàng
Nếu có tin hỗ trợ nào đáng kể tuần qua thì có lẽ chỉ là việc FED chưa tăng lãi suất. Tuy nhiên thông tin này cũng không tạo được hiệu ứng gì đặc biệt. Liệu thị trường có thể trông cậy vào tin hỗ trợ nào mới trong ngắn hạn hay không? Anh chị có điều gì lo ngại hay không?
Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng việc FED chưa tăng lãi suất chỉ làm kéo dài thêm tâm lý chờ đợi vì sẽ còn cuộc họp quan trọng trong tháng 12. Khá nhiều tổ chức và chuyên gia nhận định FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp này, vì vậy các nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn cho việc đồng USD tăng giá.
Có thể thấy trong vài tuần trở lại đây, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có dấu hiệu nhích lên và dòng vốn đầu tư bắt đầu dịch chuyển. Như vậy, nếu FED thực sự tăng lãi suất trong tháng 12 thì tác động của nó sẽ không quá mạnh vì không còn là điều bất ngờ.
Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh nên không còn nhiều kỳ vọng, riêng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ tôi cho rằng chỉ có ảnh hưởng ngắn hạn đến thị trường Việt Nam.
Ông Lê Đức Khánh-Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Đôi lúc thị trường tăng hoặc giảm bởi những lý do khó thể giải thích được. Tôi kỳ vọng vào thông tin kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp, một vài điều chỉnh về chính sách vĩ mô theo chiều hướng tích cực kiểu như giảm lãi suất hoặc tỷ lệ lạm phát vẫn được duy trì... cũng sẽ là thông tin hỗ trợ thị trường.
Tôi chưa nhìn thấy điều gì quá lo ngại đối với thị trường đang diễn ra cho xu thế VN-Index có thể tiếp tục giảm thêm 10 – 20 điểm. Thị trường điều chỉnh rồi sẽ lại quay lên nhất là giai đoạn cuối năm và đầu năm 2017 tôi vẫn đánh giá thị trường sẽ xuất hiện con sóng chứng khoán có mức tăng khá tốt.
Bà Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Điều tôi lo ngại chính là vấn đề được đề cập ở trên, thị trường mất mốc 670 điểm mà lại không rơi vào cảnh bán tháo mạnh.
Sở dĩ điều này xảy ra bởi các cổ phiếu tượng đài của nửa năm qua vẫn chưa xuất hiện sự tiêu cực rõ rệt, mà margin tập trung ở các cổ phiếu này không nhỏ. Tôi sợ khi chính các cổ phiếu này không còn giữ được sức mạnh nữa, áp lực margin sẽ rất lớn.
Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần tới, thị trường tài chính thế giới và Việt Nam sẽ tập trung sự quan tâm vào kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trong kịch bản bà Clinton chiến thắng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường. Còn với kịch bản ngược lại và hiện cũng đang là mối lo ngại của tôi chính là sự bất ổn và biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu nếu ông Trump thắng cử.
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thông tin FED chưa tăng lãi suất cũng đã được coi là thông tin hỗ trợ cho thị trường, tuy nhiên sự phản ánh vào thị trường cũng không tích cực, điều này có lẽ cũng đã được dự báo trước, và việc FED tăng lãi suất chỉ còn là vấn đề sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Trong ngắn hạn chúng tôi nghĩ thông tin kết quả kinh doanh quý 3 tốt tại một số mã trụ trên thị trường như VNM, MSN, BVH, FPT, HSG, HPG… sẽ giúp lực cầu tại vùng giá thấp của thị trường được kích hoạt tại các ngưỡng hỗ trợ. Cùng với đó yếu tố dòng tiền rẻ trên thị trường trong hiện tại cũng là nhân tố hỗ trợ tích cực trong thời gian qua cũng như sắp tới.
Ngược lại, tôi cho rằng một số yếu tố đáng lo ngại là lượng margin cao trên thị trường cũng như việc bán ròng của khối ngoại trong thời gian vừa qua sẽ khiến thị trường gặp khó khăn trong các phiên tới.
Nguyễn Hoàng
Trong kịch bản xấu nếu VN-Index thật sự đánh mất ngưỡng 670 điểm, về mặt kỹ thuật, anh chị dự đoán thị trường sẽ điều chỉnh đến mức nào, trong bao lâu?
Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Sau khi ngưỡng 670 điểm bị xuyên thủng, thị trường đã chính thức để mất xu hướng tăng điểm ngắn hạn và nhiều khả năng sẽ lùi về các vùng hỗ trợ sâu hơn trong thời gian tới.
Có 3 mốc hỗ trợ đó là 660 điểm, 640 điểm và 610 điểm. Đây là các ngưỡng hỗ trợ tương ứng với 3 kịch bản có thể xuất hiện các phản ứng hồi phục của thị trường dưới góc độ kỹ thuật.
Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Về mặt kỹ thuật, khi thị trường mất ngưỡng 670 thì đã xác lập xu hướng điều chỉnh ngắn hạn, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo được xác định ở vùng 635+/-5 và việc điều chỉnh này sẽ kéo dài từ 3-4 tuần, sau đó chúng ta cần có thêm dữ liệu để nhận định cho giai đoạn tiếp theo.
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Việc bị bán vỡ ngưỡng hỗ trợ 670 điểm về mặt kỹ thuật chỉ số VN-Index sẽ hướng về ngưỡng hỗ trợ 650 điểm phía dưới và đây có thể là nhịp điều chỉnh ngắn hạn của thị trường.
Ngưỡng hỗ trợ này có thể phải tính đến trong 1-2 tuần tới khi lo ngại về lượng margin cao khiến cung hàng gia tăng cùng việc bán ròng của khối ngoại.
Ông Lê Đức Khánh-Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Với tôi, khả năng VN-Index có thể điều chỉnh về vùng 640 - 650 điểm là nhìn thấy.
Bà Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
VN-Index có thể về 620. Đây cũng chính là vùng đỉnh lịch sử 2009. Nếu tốc độ xuống nhanh thì sẽ sớm có hồi phục trong vòng 1 tháng tới. Ngược lại, nếu “dền dứ” đi ngang, thì thị trường sẽ tiếp tục sideway đến tận cuối năm.
Nguyễn Hoàng
Theo thông tin từ tuần trước thì anh chị đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu tương đối cao.Cổ phiếu đa số giảm giá trong tuần này và nhất là việc VN-Index đánh mất 670 điểm. Anh chị có điều chỉnh lại danh mục hay không mức nắm giữ hiện là bao nhiêu?
Ông Lê Đức Khánh-Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục cổ phiếu/tiền mặt là 60%/40%. Nếu như đầu tuần tới VN-Index giảm ngay và xuống luôn ở các mốc sâu hơn tôi sẽ cân nhắc mua thêm 5 - 10% cổ phiếu.
Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Như đã chia sẽ trong tuần trước, kế hoạch của tôi là sẽ cơ cấu lại danh mục trong những phiên giao dịch đầu tháng 11 và đã tiến hành hạ tỷ trọng danh mục, hiện tại tôi chỉ nắm khoảng 30% cổ phiếu, đa phần là các cổ phiếu tôi cho rằng sẽ có kết quả kinh doanh tốt trong quý 4 và triển vọng tốt trong năm 2017.
Bà Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Ngay khi VN-Index mất mốc 670 điểm tôi đã cắt lỗ, tỷ trọng cổ phiếu hiện tại là 20% ở những cổ phiếu tuần qua không mất điểm mà chỉ đi ngang.
Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Hiện tại, tôi chỉ còn giữ lại 10% cho phần danh mục ngắn hạn. Tỷ trọng danh mục tổng hiện đang ở mức 20% (trong đó, phần danh mục trung hạn cũng đã được giảm xuống còn 10%).
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi đã có những khuyến nghị giảm tỷ trọng cổ phiếu trong tuần khi VN-Index thủng hỗ trợ 670 điểm. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt là 40/60 thời điểm hiện tại và chúng tôi chỉ tư vấn khách hàng nắm giữ các mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong quý 3 cũng như triển vọng tốt trong thời gian tới như VNM, BVH, VCB, HPG…
VnEconomy