Cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh xử lý nhiều dự án không khả thi

10/05/2018

UBND TP.HCM đã hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577 dự án với 5.915 ha và điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích của 10 dự án, giảm 33,8 ha.

Mục lục

Hàng trăm dự án “treo” bị xử lý

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, Thành phố thường xuyên rà soát các quy hoạch, các dự án đã giao đất cho chủ đầu tư để xử lý triệt để các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai.

Theo đó, tổng số dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư và dự án có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vào mục đích phát triển nhà ở, sản xuất - kinh doanh, phúc lợi công cộng đang thực hiện trên địa bàn Thành phố là 1.269 dự án, tổng diện tích đất 18.930 ha.

Đến nay, UBND TP.HCM đã hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577 dự án với 5.915 ha và điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích của 10 dự án, giảm 33,8 ha. Thành phố đã giao các cơ quan liên quan tiến hành công khai thông tin xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ, rà soát nguồn gốc đất để tiến hành cấp giấy chủ quyền, giấy phép xây dựng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Mặt khác, từ năm 2014, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000. Từ kết quả này, đã xác định một số khu vực quy hoạch thiếu khả thi, kéo dài thời gian thực hiện, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân, hoặc không phù hợp với thực tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội để điều chỉnh. UBND Thành phố chấp thuận chủ trương điều chỉnh 402 khu vực quy hoạch, tuyến đường giao thông với tổng diện tích 766,6 ha…

“Như vậy, TP.HCM đã cơ bản xử lý chấm dứt tình trạng dự án chậm triển khai. Nhờ đó, các chủ đầu tư có ý thức đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tình trạng chậm triển khai giảm, quyền lợi của người dân được đảm bảo, tình trạng khiếu nại, bức xúc liên quan đến dự án giảm đáng kể”, ông Nhã nhận xét.

Tuy nhiên, bên cạnh việc đồng tình với kết quả tích cực nêu trên, tại kỳ họp HĐND TP.HCM vừa qua, nhiều đại biểu HĐND bày tỏ bức xúc, đòi hỏi Thành phố phải xử lý triệt để và công bố cụ thể các dự án đã thực hiện điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch. Trong đó, có việc chậm di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi trung tâm Thành phố.

Dự án di dời các trường đại học, cao đẳng có tổng diện tích 2.200 ha, được Thủ tướng phê duyệt năm 2006, đến năm 2020 phải thực hiện xong. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có Trường đại học Luật triển khai tại phường Long Phước, quận 9, còn lại là quy hoạch treo. Đất bỏ hoang, cần chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà nhưng không được.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thực trạng chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa thực tế cũng như chưa phù hợp phát triển dẫn đến thường xuyên phải điều chỉnh, điều chỉnh cục bộ, thậm chí điều chỉnh từng dự án. Nhiều quy hoạch không triển khai ngay vì thiếu vốn như giao thông, trường học, công viên…, trong khi có nhiều dự án dù giao đất nhưng nhà đầu tư chậm triển khai…

Theo ông Tuyến, UBND TP.HCM xin chủ trương Thành ủy và được giao nhiệm vụ rà lại quy hoạch, phải xong trước quý I/2020, vì đây là nền tảng để phát triển của tất cả các lĩnh vực thương mại - dịch vụ… Dự án nào không khả thi dứt khoát phải “xóa” để trả lại quyền lợi cho dân.

Nhiều chủ đầu tư “xí đất” rồi chuyển nhượng

Tại kỳ họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM trong tháng 4 và nhiệm vụ, phương hướng trong tháng 5/2018, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có nhiều dự án về nhà ở sau khi có được pháp lý, chủ đầu tư không thực hiện triển khai dự án theo quy định, mà chuyển nhượng qua lại. Toàn Thành phố có khoảng 500 dự án trong tình trạng này, trong đó huyện Nhà Bè có nhiều nhất với 85 dự án.

“Tình trạng trên dẫn đến hệ lụy là hạ tầng không được đầu tư, bộ mặt đô thị nhếch nhác, người dân kêu ca”, ông Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phối hợp với Sở Xây dựng rà soát lại từng dự án, trước mắt tập trung làm trước các dựa án tại Nhà Bè để xử lý dứt điểm tình trạng trên, dự án nào không triển khai, chậm triển khai phải thu hồi. Việc phân lô bán nền của nhiều chủ đầu tư cũng để lại nhiều hệ lụy không tốt cho Thành phố.

Liên quan đến việc đấu giá 9 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 Khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 78.000 m2 đã được Chủ tịch UBND TP.HCM đồng ý cho đấu giá quyền sử dụng với giá khởi điểm là 27.000 đồng.

“Việc đấu giá 9 lô đất này là chọn nhà đầu tư, chứ không đơn thuần bán đất rồi muốn làm gì thì làm”, ông Hoan khẳng định.

Còn theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, quy trình đấu giá sẽ thực hiện theo Thông tư 14 của liên bộ. Cụ thể, đầu tiên sẽ đo đạc diện tích chính xác là bao nhiêu, sau đó thuê công ty tư vấn độc lập xác định giá, trình UBND Thành phố. Sau khi xác định giá, sẽ lên phương án đấu giá. Trung tâm đấu giá của Sở Tư pháp sẽ thực hiện việc đấu giá.

Theo ông Hoan, khi nhà đầu tư trúng giá, phải thực hiện các dự án đầu tư đã được quy hoạch trên mảnh đất đó. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng đủ điều kiện tham gia. Để được tham gia, các nhà đầu tư phải đảm bảo 5 điều kiện: phải đủ điều kiện năng lực triển khai dự án theo yêu cầu sau khi trúng giá; năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư; phải có trách nhiệm tham gia đầu tư hạ tầng phục vụ cho chính nhà đầu tư và lân cận; chấp nhận ký quỹ làm tin; khả năng huy động vốn tốt.

Ông Hoan cho biết, dự án này không nhỏ và vì quy mô, nhiệm vụ như thế, nên khả năng Thành phố có thể kêu gọi thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào.

 Bình Châu (Đầu tư chứng khoán)