Hiện nay, với sức ép dân số cơ học tăng nhanh, thực trạng nhiều dự án xây dựng trường học quy hoạch xong rồi để đấy đang “đẩy” việc học hành của con em tại nhiều khu đô thị trên địa bàn Hà Nội hết sức khó khó khăn.
Quây tôn, cỏ mọc um tùm, thậm chí biến tướng thành những bãi trông xe, sân bóng… làm lợi cho một vài người là thực trạng tại nhiều dự án xây dựng trường học trên địa bàn Hà Nội.
Đơn cử như Dự án đầu tư xây dựng trường Mầm non khu đô thị Đồng Tầu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Năm 2012, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thu hồi trên 3.000 m2 tại ô đất ký hiệu B8-NT trong quy hoạch khu di dân Đồng Tầu và giao Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển giáo dục Nam Hà Nội xây dựng trường Mầm non.Nhưng sau khi được bàn giao, Dự án này biến thành một sân bóng và khoảng 1 năm nay, Chủ đầu tư lại rào chắn, bỏ hàng nghìn mét đất hoang hóa.
Ông Trần Văn Vinh, trú tại Tổ 30, phường Thịnh Liệt cho biết, 4 năm trước, khi hay tin có Dự án xây dựng trường học, người dân đều vui, nhưng nay lại là sự thất vọng. Trường Mầm non khu đô thị Đồng Tầu chỉ là một trong rất nhiều Dự án xây dựng trường học trên địa bàn Hà Nội được quy hoạch, phê duyệt xong rồi nằm im trên giấy.
Dự án ít thì vài năm, dự án nhiều cũng cả chục năm hoang hóa. Đơn cử như tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, hiện có 12 dự án trường học, nhưng có đến 8 dự án chưa giao chủ đầu tư, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng. Điều đáng chú ý là trong đó có một số Dự án được quy hoạch trong khu vực nghĩa trang tồn tại hàng chục năm nay.
Ông Nguyễn Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết, việc quy hoạch trường học vào khu vực nghĩa trang chẳng khác nào một sự “đánh đố”.
Thực trạng dự án xây dựng trường học quy hoạch xong rồi để đấy đã “đẩy” việc học hành của con em trên địa bàn hết sức khó khăn. Hiện số trường Mầm non, Tiểu học công lập tại phường Định Công chỉ đáp ứng được khoảng 50% số học sinh.
Ông Nguyễn Thăng Long nói: “Tôi thấy có rất nhiều bất cập liên quan đến việc xây dựng trường học. Tại địa bàn phường, các nhà lập quy hoạch thường xuyên đưa các ô quy hoạch vào các vị trí là các nghĩa trang, dẫn đến tình trạng không khả thi khi thực hiện quy hoạch. Chúng tôi đã có ý kiến rất nhiều là không thể lấy đất nghĩa trang để phục vụ người sống. Hiện nay, nghĩa trang đã tồn tại rất lâu nhưng bây giờ di dời để xây dựng các công trình công cộng, nhất là trường học rất khó khả thi”.
Thống kê cho thấy Hoàng Mai, Cầu Giấy là hai trong số các quận, huyện có số dự án xây dựng trường học “treo” nhiều nhất trên địa bàn Hà Nội. Trong số 96 dự án xây dựng trường học (51 dự án công lập, 45 dự án xã hội hóa) tại quận Hoàng Mai thì có đến 79 dự án vẫn nằm im trên giấy. Các dự án chậm triển khai phần lớn là dự án xã hội hóa, được thành phố Hà Nội chấp thuận giao cho các doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
Ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, số học sinh gia tăng, trong khi cơ sở trường học chưa đáp ứng đang là một áp lực đối với ngành giáo dục. Quận cũng đã nhiều lần đôn đốc, kiến nghị các chủ đầu tư sớm triển khai dự án xây dựng trường học theo cam kết, nhưng chuyển biến vẫn chưa được bao nhiêu.
Ông Thái nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị UBND TP xử lý các chủ đầu tư chậm triển khai dự án, thu hồi và bàn giao cho ủy ban quận những dự án đầu tư từ ngân sách và kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo UBND TP đôn đốc chủ đầu tư đối với các trường xã hội hóa triển khai đúng tiến độ”.
Thực trạng các dự án quy hoạch xây dựng trường học trên địa bàn Hà Nội quây tôn, bỏ hoang cỏ mọc um tùm không chỉ gây khó khăn cho việc học hành của con em, mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, môi trường sinh thái.
Sự thiếu quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc Chủ đầu tư thực hiện dự án của các cấp, ngành liên quan, UBND TP Hà Nội là một trong những nguyên nhân của thực trạng này.