Nợ xấu thực hơn 8%: Khó tái cấu trúc ngân hàng
01/11/2016
Theo công bố của NHNN, đến tháng 8/2016, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 2,66%. Nếu con số này là chính xác thì nợ xấu thực sự không phải là một vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Chỉ riêng tổng nợ xấu mà VAMC đã mua đã hơn 200 nghìn tỷ đồng, như vậy tổng số nợ xấu thực sự của nền kinh tế khoảng 8%.
Không chỉ có vậy, báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGTCQG) nợ xấu phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng yếu kém. Từ con số này cho thấy việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng tiếp tục là một thử thách lớn trong thời gian tới.
Nhìn thấu nợ xấu
Theo số liệu Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đến tháng 8/2016, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 2,66%. Như vậy, so với thời điểm đầu năm tỷ lệ nợ xấu của nền kinh tế đã giảm đáng kể và đang ở mức rất lý tưởng. Thống kê trên báo cáo tài chính của một số ngân hàng báo cáo tài chính quý 2 cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu đang ở mức rất thấp.
Ngân hàng hàng có nợ xấu thấp nhất hiện nay có lẽ là Vietinbank với tỷ lệ chỉ có 0,91%, thấp hơn rất nhiều so với ngân hàng được xem là lành mạnh nhất hiện nay như Vietcombank (1,75%). Ngân hàng lớn khác là BIDV có tỷ lệ nợ xấu là 2%. Ngân hàng “đội sổ” về tỷ lệ nợ xấu trong số các ngân hàng công bố là Eximbank với tỷ nợ xấu 5,3%. Ngay đến một ngân hàng được xem là có những khoản tín dụng rất xấu sau khi sáp nhập Phương Nam vào như Sacombank cũng có tỷ lệ nợ xấu chỉ có 2,84%. Với con số đó cho thấy tỷ lệ xấu của các ngân hàng hiện nay không có gì đáng lo ngại.
Dù vậy, nhìn thấu hơn về thực chất của nợ xấu cho thấy nợ xấu có một bức tranh hoàn toàn khác. Thực vậy, con số trên chỉ có là các con số bình quân của hệ thống TCTD, còn một phần nợ xấu rất lớn nằm tại TCTD yếu kém và nằm trong trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Theo đó hiện VAMC đã mua hơn 200 nghìn tỷ đồng nợ xấu của các TCTD thông qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt. Với cơ chế được quy định về trái phiếu đặc biệt thì thực chất phần nợ xấu mà TCTD bán cho VAMC đổi lấy trái phiếu đặc biệt không được tính là nợ xấu tuy nhiên mọi nghĩa vụ về khoản nợ này thì TCTD vẫn phải chịu trách nhiệm. Nói tóm lại thì đây thực chất vẫn là nợ xấu của TCTD và nền kinh tế nhưng nó không được ghi nhận khi công bố chính thức.
Như vậy, thực tế nợ xấu cả nền kinh tế hiện nay bao gồm nợ đã bán cho VAMC là gần 8%. Theo báo cáo tài chính bán niên mà các ngân hàng công bố thì BIDV đang là ngân hàng có số nợ bán cho VAMC cao nhất với con số là 20.836 tỷ đồng. Như vậy, thực chất tỷ lệ nợ xấu của VAMC là 5,16% chứ không phải là 2% như con số đã công bố. Tương tự như vậy, với ngân hàng SHB thì với tổng số nợ xấu bán cho VAMC 7000 tỷ đồng, nợ xấu thực sự của ngân hàng này lên tới 7,18%. Hay như ngân hàng Eximbank tính cả lượng nợ xấu đã bán cho VAMC là 6.230 tỷ đồng thì tỷ lệ nợ xấu lên đến 13%.
Rủi ro về nợ xấu không chỉ có khoản nợ xấu tiềm ẩn ở VAMC mà còn ở các tổ chức tín dụng yếu kém. Còn nhớ từ cuối năm 2011, NHNN triển khai quá trình tái cơ cấu, “tổ chức tín dụng yếu kém”. Tại thời điểm đó, có 9 ngân hàng yếu kém được NHNN công bố đợt đầu, đưa vào diện phải tái cơ cấu bắt buộc. Sau 2 năm, tức là vào cuối năm 2013, NHNN cho biết đã đánh giá và xác định thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém nữa; trong đó có thêm 2 ngân hàng cổ phần, 6 tổ chức phi ngân hàng yếu kém. Kết quả sau 5 năm tái cấu trúc là cả nền kinh tế giảm được 17 TCTD. Trong đó đáng chú ý là các vụ sáp nhập ngân hàng yếu kém như Habubank, Phương Nam, MHB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa… hay các vụ mua lại với giá 0 đồng như NH Đại Dương, NH Xây dựng, Ngân hàng dầu khí Toàn Cầu…
Dù đã tiến hành khá quyết liệt nhưng cho đến nay kết quả tái cấu trúc, tình hình tài chính của nhiều ngân hàng trong số này vẫn chưa được công bố. Báo cáo mới đây của UBGSTCQG cho thấy tình trạng tài chính của những TCTD yếu kém vẫn rất đáng lo ngại. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm lãi dự thu của hệ thống tổ chức tín dụng cao, tăng 17,2% so với cuối năm 2015, tập trung tại một số tổ chức tín dụng yếu kém (lãi dự thu của 9 tổ chức tín dụng chiếm 61,7% tổng lãi dự thu toàn hệ thống). Việc lãi dự thu tăng mạnh và tập trung ở những TCTD kém cho thấy tình trạng nợ xấu vẫn còn khá trậm trọng và đặc biệt tập trung nhóm yếu kém.
Thách thức tái cơ cấu
Nhiều chuyên gia đều cho rằng một trong những thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay là xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng. Thực sự đây không phải là một ý tưởng mới vì vấn đề này đã được xác định 5-6 năm qua. Tuy nhiên, việc khẳng định lại vấn đề này cho thấy việc tái cấu trúc ngân hàng, xử lý ngân hàng yếu kém và nợ xấu chưa có nhiều tiến triển và đây là một vấn đề rất phức tạp.
Nhìn vào tỷ lệ nợ xấu mà VAMC xử lý được sau 2 năm mua lại cho thấy là tốc độ xử lý nợ xấu đang rất chậm chạp. Việc xử lý nợ xấu hiện nay đang vướng rất nhiều cơ chế chưa được tháo gỡ như vấn đề minh bạch thông tin, hành lang pháp lý và kể cả trình độ kỹ năng của đội ngũ thực hiện. Cho đến nay VAMC vẫn chưa thể dùng “tiền thật” để mua nợ theo giá trị thị trường để xử lý nợ xấu giống như việc xử lý nợ xấu thông thường trên thế giới. Thực chất VAMC chỉ mới chỉ đóng vai trò như việc cho các TCTD “thuê kho” trữ nợ xấu.
Tiến trình xử lý ngân hàng yếu kèm cũng là vấn đề đáng quan tâm. Hiện tình hình tài chính của 3 ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng vẫn chưa được công bố chính thức. Như vậy, hiệu quả của việc tái cấu trúc 3 ngân hàng này sau một khoảng thời gian khá dài mà NHNN quản lý vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, với việc “chưa công bố” thông tin cho thấy có thể sức khỏe 3 ngân hàng này cũng chưa thực sự tốt.
Đặc biệt với thông tin là nợ xấu 9 TCTD yếu kém đã chiếm tới gần 62% tổng nợ xấu thì cho thấy tình trạng của những tổ chức này rất tồi tệ. Lưu ý đây đều là những TCTD có quy mô không lớn nhưng lại chiếm tỷ lệ nợ xấu cao cho thấy tỷ lệ nợ xấu rất cao. Điều này cũng không phải là mới bởi trước đây trong các đề án tái cấu trúc, hay thông tin tiết lộ trong quá trình xét xử các vụ án cho thấy tỷ lệ nợ xấu của một số TCTD lên tới 60% thậm chí lên tới 90%. Rõ ràng về mặt kỹ thuật đây là những TCTD bị mất thanh khoản và phá sản. Hay một ví dụ điển hình khác là ngân hàng Đông Á dù trước đó không có nhiều dấu hiệu khó khăn nhưng bổng dưng bị đưa vào kiểm soát đặc biệt. Những thông tin này khi được công bố đã gây bất ngờ cho không ít người vì ngay trước đó các con số công bố chính thức của những TCTD này vẫn khá đẹp.
Rõ ràng với những thông tin trên cho thấy việc tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu vẫn đang là một thách thức rất lớn. Các nhà làm chính sách Việt Nam không chọn con đường “đổ vỡ sáng tạo”, tức là những giải pháp mạnh mẽ và chấp nhận rủi ro. Nói về tình hình tái cơ cấu ngân hàng, các tổ chức tín dụng, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: “Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2 cần quyết tâm chính trị cao hơn. VAMC chỉ là nửa vời, là củ sâm để tổ chức tín dụng ngậm từ nhà tới bệnh viện thôi”.
Biết là vậy, nhưng xử lý nợ xấu như thế nào không phải một giải pháp dễ dàng. Theo tính toán cần khoảng 25 tỷ USD để xử lý nợ xấu ngân hàng hiện nay, và câu hỏi đầu tiên vẫn là tiền đâu khi mà thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng. Hơn nữa tất cả các cơ chế về pháp lý, con người và thị trường cần thiết cho việc xử lý nợ xấu hiện nay vẫn đang rất thiếu. Ngoài ra, một rào cản không hề nhỏ khác là việc sự sẳn sàng chấp nhận rủi ro từ phía cơ quan nhà nước hay từ phí lãnh đạo TCTD cũng chưa có. Nói cách khác tức là “đang có sự vận động ngầm” hay “chống đối” của các nhóm lợi ích trong việc thực hiện triết để tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu.
Hồ Bá Tình