Bộ GTVT đề xuất mở rộng cao tốc Long Thành - Dầu Giây lên 10-12 làn xe.

01/04/2019

Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải xây dựng ngay một đề án về giao thông nhằm kết nối sân bay Long Thành với một số khu vực xung quanh. Bộ trưởng đề nghị đề án phải đề xuất được một số trục giao thông kết nối thẳng từ sân bay vào TPHCM qua đường bộ, đường sắt nhẹ.

Cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây

Theo phương án kết nối giao thông với sân bay Long Thành của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), có 3 tuyến đường kết nối trực tiếp vào sân bay là quốc lộ 51; đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến phía sau sân bay ra đường vành đai 4.

Đây là 3 tuyến đường chính rất quan trọng để từ TPHCM cũng như những đô thị lớn khác đến Sân bay Long Thành. Theo kiến nghị của Sở GTVT Đồng Nai, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cần phải sớm có phương án mở rộng mới đủ đáp ứng nhu cầu đi lại khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Theo đó, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cần phải mở rộng đoạn từ TPHCM đến Long Thành. Đoạn này cần phải mở rộng lên 10-12 làn xe, nếu chỉ xây dựng theo quy hoạch là 8 làn sẽ không đáp ứng được nhu cầu.

Tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án vào năm 2007 chia làm 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1 là đoạn An Phú - Long Thành, xây dựng với quy mô 4 làn xe cho cả đường và cầu; phần đường có thêm 2 làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn 2 - giai đoạn hoàn chỉnh đoạn từ An Phú - Long Thành sẽ mở rộng lên 8 làn xe cho cả đường và cầu, đoạn từ Long Thành đến Dầu Giây sẽ mở rộng lên 6 làn xe.

Về vấn đề này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng lưu ý, nếu chọn việc mở rộng cao tốc lên đến 12 làn xe thì sẽ phải có phương án sớm vì liên quan đến quy hoạch sử dụng đất.

Trong khi đó, để sớm kết nối thông suốt từ cảng hàng không quốc tế Long Thành với TPHCM, Viện Chiến lược và phát triển GTVT (thuộc Bộ GTVT) cũng đưa ra đề xuất xây dựng tuyến đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm đi Sân bay Long Thành và kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 của TPHCM từ Thủ Thiêm đến Tân Sơn Nhất. 

Đây là phương án kết nối được 2 sân bay với nhau. Ngoài ra, cần xây dựng cầu Cát Lái để nối TPHCM với tỉnh lộ 25C của Đồng Nai với Sân bay Long Thành, như thế sẽ tạo thêm hướng kết nối với Sân bay Long Thành.

Song song đó, tỉnh Đồng Nai đang tích cực phối hợp với Bộ GTVT để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho dự án Đường Vành đai 3 được đầu tư nhanh chóng.

Theo đó, tuyến đường vành đai 3 đoạn Nhơn Trạch - TPHCM dài hơn 30km. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng từ ngã tư quận Thủ Đức (TP.HCM) đến đường 25B tại trung tâm huyện Nhơn Trạch với chiều dài khoảng 17km. Dự kiến trong quý II năm nay sẽ khởi công trước đoạn 1A từ đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đến đường 25B.

Đoạn 1A dài gần 9km, trong đó 2km nằm trên địa phận TP.HCM, còn lại nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Tuyến đường được thiết kế xây dựng mặt đường rộng hơn 20m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, gồm 190 triệu USD (tương đương 4.180 tỷ đồng) vay từ EDCF và gần 1.150 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam, trong đó tiền của tỉnh chi trả cho giải phóng mặt bằng trên 470 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi trình bày về hệ thống giao thông kết nối với Sân bay Long Thành, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai mới đây cũng đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho triển khai xây dựng tuyến đường 25C đoạn từ hương lộ 19 (huyện Nhơn Trạch) đến quốc lộ 51 và đoạn từ các khu công nghiệp Nhơn Trạch đến đường vành đai 3 (TPHCM).

Theo quy hoạch, đường 25C có chiều dài 14,5km, điểm đầu nối với quốc lộ 51 và điểm cuối giao với đường vành đai 3. Hơn 11km cuối tuyến đã và đang thi công, đặc biệt đoạn giữa tuyến nằm trong các khu công nghiệp đến nay đã hoàn thành, còn lại hơn 3km đầu tuyến nối với quốc lộ 51 chưa được đầu tư.

Lãnh đạo huyện Nhơn Trạch cũng cho hay đường 25C rất quan trọng, bởi tuyến đường này đi qua các khu công nghiệp cũng như khu đô thị của huyện và kéo dài xuống đến tận đường Hùng Vương (xã Vĩnh Thanh) và kết nối với các tuyến đường khác về TPHCM.

Nam Phong
Theo Nhịp sống kinh tế