Điểm lại 5 “cơn bão” trên thị trường bất động sản thời gian qua (phần 1)

13/10/2022

Hiện bất động sản trong nước đã và đang liên tiếp đón nhận những “cơn bão” gây “chấn động” không nhỏ đến thị trường. Các cơn bão này đã tạo ra ảnh hưởng lớn đến nhiều cá nhân, tổ chức BĐS lớn nhỏ cả nước thời gian qua. Trong bài viết sau, hãy cùng Bds123.vn điểm lại 5 sự kiện lớn, gây xôn xao dư luận nhất trong thời gian gần đây nhé.

Mục lục

1) Sự kiện bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm

Đầu tiên, “mở màn” cho chuỗi sự kiện này đó là sự kiện bỏ cọc đấu giá các lô “đất vàng” Thủ Thiêm quận 2. Lật lại vào ngày 10/12/2021, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM đã thực hiện bán đấu giá thành công 4 lô đất tại Thủ Thiêm với số tiền thu được lên đến hơn 37.300 tỷ VNĐ. Số tiền “khủng” được đấu giá đã tạo ra một hồi dài xôn xao dư luận bất động sản trong nước và cả khu vực. Tuy nhiên sau đó lần lượt các bên doanh nghiệp trúng thầu đã bỏ cọc đấu giá đất với tổng tiền cọc khoảng hơn 1052 tỷ. Bao gồm Cty TNHH đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt (thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh), Cty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh, Cty Dream Republic và Cty cổ phần Sheen Mega.

Đất vàng Thủ Thiêm hiện vẫn chưa có chủ sở hữu

Sự kiện này được xem như một “tiền lệ nguy hiểm” mà các doanh nghiệp tạo ra vì không chỉ dừng ở việc đấu giá bất thành mà còn tạo ra nhiều xáo trộn cho thị trường BĐS thành phố trong khoảng thời gian 6 tháng kéo dài. Gây ra sự chênh lệch giá đất ở Thủ Thiêm và các khu vực lân cận. Ngay lập tức thì Bộ tư pháp đã phải rà soát và đưa ra những chỉnh sửa, bổ xung chính xác pháp luật về vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất để “chấn chỉnh” lại mọi thứ một cách nhanh chóng. Còn về dư luận thì dấy lên nhiều tranh cãi liệu có xuất hiện hành vi lợi dụng để “thao túng thị trường” ở đây hay không của các DN trên. Đa phần mọi người không mong muốn chính quyền, các ban ngành liên quan phải thắt chặt hơn để những sự kiện gây bất ổn tương tự không xảy ra đối với thị trường bất động sản nữa.

2) Chủ tịch FLC - Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt

Tiếp theo, liên quan đến “thao túng thị trường” thì vào ngày 29/3/2022 Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐ quản trị của CTCP Tập đoàn FLC đã bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Việc ông Quyết bán “chui” một lượng lớn cổ phiếu đã gây ra “chấn động lớn” cho sàn chứng khoán trong nước. Tiếp đó, chiều ngày 25/8/2022 cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố bổ xung với ông Quyết và các bị can về hành vi nâng khống vốn của CTy CP xây dựng FLC Faros (tăng vốn điều lệ từ 1.5 tỷ lên 4300 tỷ). Dần dần “lật” ra nhiều dự án BĐS nghìn tỷ đầy tai tiếng mà trước đây ít ai để ý.

Về phương diện bất động sản, khi nhắc tới FLC thì mọi người đều biết đây là một tập đoàn có “danh tiếng” không nhỏ trong giới ở nước ta. Tuy nhiên giờ đây nối tiếp sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị bắt đã lộ ra thêm hàng loạt sai phạm nghiêm trọng ở tại các dự án thuộc tập đoàn. Nổi bật trong đó bao gồm các dự án tại chung cư tại Hà Nội như FLC Complex 36 Phạm Hùng (1200 tỷ đồng), FLC Garden City, FLC Premier Parc. Ngoài ra, FLC còn vướng phải nhiều sai phạm về pháp lý tại các dự án nghỉ dưỡng trải dài khắp cả nước như Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Trị. Đa phần các dự án này đều liên quan đến vấn đề giấy phép xây dựng; quy hoạch; chính quyền hợp thức hóa sai phạm - Theo Báo Thanh Niên. Đến đây, có thể thấy sự “quan tâm” của các lãnh đạo đến các “ông lớn” bất động sản trong nước đang sát sao hơn bao giờ hết. Trở thành điềm báo cho những cơn bão lớn tiếp đến với thị trường.

3) Siết chặt tín dụng bất động sản

Vào giai đoạn quý IV năm 2022, thị trường bất động sản đón nhận nhiều biến động đến từ việc siết chặt tín dụng từ các ngân hàng. Việc dòng tiền mua bán nhà, đất bị thắt chặt nhanh chóng tạo ra nhiều băn khoăn cho cả giới đầu tư và người mua nhà ở thực. Chi tiết hơn, Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm vụ theo dõi và kiểm soát tín dụng bất động sản để tạo ổn định, phát triển bền vững cũng như hạn chế được các rủi ro cho thị trường. Đây được xem là những hành động cần thiết khi thị trường liên tục xuất hiện nhiều hoạt động đầu cơ nhằm đẩy giá đất lên cao tạo ra những cơn sốt ảo.

Siết chặt tín dụng BĐS, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp

Nhưng khi tín dụng lĩnh vực bất động sản bị siết lại tạo ra khó khăn cho nhiều chủ đầu tư trong việc phát triển dự án, dẫn đến việc nguồn cung bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hiện lãi suất vay mua nhà đất ở các ngân hàng đang tăng lên khá cao, khiến cho mọi người không mặn mà lắm với thị trường. Theo tìm hiểu thì cả nhu cầu đầu tư BĐS và mua nhà ở thực đều đang giảm sút do tín dụng không được “thoải mái”. Lượng cung và cầu giảm, tính thanh khoản của bất động sản cũng giảm, khiến cho thị trường trở nên ảm đạm trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, đến tháng 9/2022 thì ngân hàng đã quyết định “nới lỏng”, thêm các room tín dụng phục vụ nhu cầu phát triển bất động sản. Đây được xem như “ảnh nắng đầu tiên” cho toàn thị trường sau một quãng thời gian nhiều biến động. Nhiều người mong rằng từ giờ đến hết năm bất động sản trong nước sẽ ổn định hơn, không xuất hiện thêm “cơn bão” nào.

Lời kết

Kết thúc phần 1 với 3 sự kiện đặc biệt ở trên, bài viết đã cho thấy thị trường nhà đất nước ta đang được chính quyền quan tâm sâu sát hơn. Liên tục xuất hiện nhiều thay đổi lớn nhằm “dẹp bỏ” nhiều vấn đề sai phạm gây nhức nhói suốt nhiều năm qua. Ở trong phần 2 của bài viết, Bds123.vn sẽ tiếp tục với các sự kiện nóng nhất hiện nay có liên quan đến những cái tên lớn trong giới bất động sản Việt Nam như Vingroup, Tân Hoàng Minh Group và Vạn Thịnh Phát. Các bạn có thể đón xem phần 2 của bài viết 5 cơn bão thị trường bất động sản Việt Nam tại đây.

Theo H.A.D