Lấn chiếm kênh rạch khiến công tác giải tỏa thêm khó khăn

10/04/2017

TP Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch di dời hơn 20 nghìn căn nhà trên và ven kênh rạch. Trong khi số căn hộ này chưa được giải tỏa, thì nhiều hộ khác lại tiếp tục lấn chiếm kênh rạch khiến công tác giải tỏa thêm khó khăn.

Tại những dòng kênh Đôi - kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Lò Gốm, kênh Ông Bé, Xóm Củi, Ruột Ngựa thuộc địa bàn các quận 4, quận 7 và quận 8 hiện nay, hàng nghìn hộ dân vẫn đang sinh sống trong các khu “ổ chuột”. Mọi chất thải sinh hoạt đều được thải trực tiếp xuống kênh. Riêng tại kênh Đôi - kênh Tẻ, có đến 5.300 căn nhà lụp xụp với 32 nghìn nhân khẩu đang sinh sống. Việc lấn chiếm kênh rạch ở đây đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Thực tế cho thấy TP Hồ Chí Minh đã áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục hậu quả của việc lấn chiếm kênh rạch. Trong Quyết định số 150, năm 2004, UBND TP Hồ Chí Minh đã quy định rất rõ về việc quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn thành phố. Quyết định này cũng đã phân rõ trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm về lấn chiếm kênh rạch.

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng các dòng kênh cứ “chết” dần. Thậm chí, các con kênh thoát nước cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng bị lấn chiếm với nhiều hình thức, khiến sân bay thường xuyên ngập sau mỗi trận mưa, kể cả trận mưa trái mùa vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua.

“Phần lớn các hộ bây giờ lấn ra, làm hẹp lòng mương, cùng với việc xả rác thải vào đó nên đáy của con kênh này đã nâng lên rất cao so với đáy của cống thoát ở trong sân bay ra. Vì vậy, khả năng tiêu thoát nước rất hạn chế”, ông Đặng Văn Sáu, người dân sống gần kênh A41 thuộc phường 4, quận Tân Bình, cho biết.

Bà Nguyễn Thị Bé Ba, người dân ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức thì cho rằng, việc lấn chiếm kênh rạch là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngập lụt thường xuyên như hiện nay.

Để di dời, tái định cư, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người là rất khó khăn. Trong khi đó, hầu hết nhà, đất mà các hộ này đang sử dụng không có giấy tờ hợp pháp nên việc áp giá đền bù giải tỏa sẽ thấp, không đủ để mua một căn nhà mới. Chỉ riêng ở quận 8, UBND quận dự toán kinh phí để di dời, giải tỏa các hộ dân sống trên và ven kênh rạch tốn khoảng gần 14 nghìn tỷ đồng.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, số lượng nhà “ổ chuột” trên và ven kênh, rạch trên địa bàn thành phố hiện nay là hơn 17 nghìn căn. Khó khăn trong việc giải tỏa các căn nhà ven kênh rạch là người dân không đồng thuận với chính sách đền bù, tái định cư của thành phố. Việc bố trí địa điểm tái định cư cho các hộ dân này cũng gặp khó khăn bởi quỹ đất của thành phố còn hạn chế, trong khi hầu hết người dân muốn sinh sống gần nơi họ đã gắn bó bấy lâu nay.

Theo kế hoạch, việc di dời sẽ được tiến hành trong hai giai đoạn. Từ nay đến năm 2020, thành phố tập trung giải tỏa di dời 9.800 căn. Giai đoạn 2 từ năm 2020 đến năm 2025, sẽ hoàn thành mục tiêu di dời hơn 19.500 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nhiều năm qua, chúng tôi đã di dời được 36 nghìn hộ gia đình sống trên và ven kênh rạch. Từ nay đến những năm sắp tới, chúng tôi còn phải di dời khoảng 20 nghìn căn hộ nữa. Nếu chúng ta không xử lý khéo và quyết liệt thì vấn đề này sẽ gây ra những vấn đề khác không hay”.

Để công tác di dời nhà trên và ven các kênh rạch đạt hiệu quả, TP Hồ Chí Minh đang tạo cơ chế thuận lợi để thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Ở mỗi quận, huyện của thành phố cần, có những phương án khác nhau, phù hợp điều kiện thực tế. Một việc làm cần thiết của thành phố hiện nay là phải quản lý chặt chẽ việc người dân tiếp tục lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm kênh rạch bằng những quy định cụ thể, sát với tình hình thực tế.

Thành Trung - Đăng Quân (Nhân dân)